Cơ sở sản xuất bún khô của gia đình chị Hoàng Thị Lợi, xã Linh Phú.
Với truyền thống làm nghề sản xuất bún tươi từ nhiều năm nay, tuy nhiên, bún tươi không để được lâu, năm 2015 chị Hoàng Thị Lợi đã đầu tư gần 70 triệu đồng mua máy công nghệ cao làm bún khô. Sản phẩm làm ra được quảng cáo, giới thiệu qua mạng xã hội zalo, facebook và giao bán phục vụ nhân dân trong xã và các vùng lân cận. Theo chị Lợi, sản phẩm bún khô của gia đình được làm chủ yếu từ bột gạo tẻ và được sản xuất theo dây chuyền, đảm bảo quy trình từ việc lực chọn nguyên liệu đến các khâu chế biến, tạo ra sợi bún to, dai, không nát, không có chất tạo mầu, không chất bảo quản, giàu dinh dưỡng. Nếu như trước đây sản phẩm bún tươi chỉ để được 1-2 ngày thì nay sản phẩm bún khô có thời hạn sử dụng lên đến 06 tháng. Hiện tại, trung bình mỗi ngày, cơ sở sản xuất của gia đình chị làm được từ 1,5 đến 02 tạ bún khô, vào dịp rằm tháng 7 âm lịch và Tết Nguyên đán, cơ sở sản xuất hàng tấn bún khô/ngày có gián bán trung bình 22.000đ/kg; tạo việc làm thường xuyên cho 04 lao động. Trừ các khoản chi phí, trung bình mỗi tháng gia đình chị thu lãi khoảng hơn 20 triệu đồng.
Tham gia thực hiện Đề án hộ trợ Phụ nữ khởi nghiệp với ý tưởng “Bún khô Linh Phú”, gia đình chị Hoàng Thị Lợi chú trọng tới việc khả năng thương mại hóa, trong đó nhóm đối tượng khách hàng mà cơ sở hướng tới là các đơn vị trường học bán trú, siêu thị, thị trường bán lẻ, bán buôn cho các cửa hàng tạp hóa, hệ thống cộng tác viên bán hàng trên mạng xã hội. Đồng thời sản phẩm sẽ được quảng bá rộng khắp đến các quán ăn, chợ nông thôn... qua đó dễ dàng tiếp cận với nhóm khách hàng, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao vị thế của phụ nữ trong giai đoạn mới. Để cơ sở ngày càng phát triển hơn, niện nay, gia đình chị đang mở rộng và làm mới nhà xưởng, chuẩn bị đầu tư thêm máy trộn, nhồi bột công nghiệp, máy hút chân không theo tiêu chuẩn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong chế biến.
Cơ sở giúp tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động trên địa bàn xã.
Thời gian qua, Hội LHPN huyện Chiêm Hóa đã nỗ lực thực hiện nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ, giúp đỡ hội viên phụ nữ tham gia khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, tạo thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình. Bà Hà Thị Hồng, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết thêm, hội viên phụ nữ có nhiều ý tưởng khởi nghiệp, những mô hình kinh tế hiệu quả, minh chứng sự đột phá trong tư duy và hành động của phụ nữ, nhất là chị em phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phụ nữ vùng dân tộc thiểu số. Trong thời gian tới Huyện hội sẽ lựa chọn một số mô hình sản xuất điểm để chị em tham quan học tập, chia sẻ kinh nghiệm; tìm kiếm, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là thực phẩm sạch; phối hợp mở các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt an toàn theo nhu cầu của chị em, mạnh dạn khởi nghiệp phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng./.
Gửi phản hồi