Bánh gai là món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc Tày ở Chiêm Hóa. Với sức hấp dẫn riêng có, ngày nay món bánh này đã trở thành thương hiệu nổi tiếng, nhiều người lựa chọn bánh gai làm quà sau chuyến đi du lịch Tuyên Quang.
Người dân xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) tranh thủ đan cót lúc nông nhàn.
Tiếp nối nghề làm bánh gai truyền thống của gia đình, những năm qua, cơ sở bánh gai Quân Hoa của gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Hoa, tổ dân phố Vĩnh Giang, thị trấn Vĩnh Lộc đã tạo được uy tín với khách hàng. Hiện nay, bình quân mỗi tháng, cơ sở của chị cung cấp ra thị trường khoảng 4.000 - 5.000 cặp bánh gai, đặc biệt vào ngày rằm, mùng 1 và dịp Tết số lượng tăng lên từ 200 đến 1.000 cặp/ngày. Từ nghề làm bánh gai, mỗi tháng sau khi trừ chi phí chị thu lãi 10 triệu đồng; tạo việc làm cho 2 lao động địa phương với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng.
Cùng với nghề làm bánh gai, huyện Chiêm Hóa còn nhiều nghề truyền thống, trong đó phải kể đến nghề đan lát tại xã Hùng Mỹ. Từ những nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên như guột, mây, tre, nứa… dưới bàn tay khéo léo của người dân xã Hùng Mỹ đã tạo ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ với tính thẩm mỹ cao được thị trường ưa chuộng. Nghề đan lát tại xã Hùng Mỹ phát triển tạo việc làm cho 50 lao động với mức thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng.
Ông Đỗ Văn Hiếu, Chủ tịch UBND xã Hùng Mỹ cho biết, để nghề đan lát tiếp tục phát triển, xã đã thành lập Tổ hợp tác mây tre đan. UBND xã đã liên hệ với một số cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ tại Chương Mỹ (Hà Nội) để liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, mời nghệ nhân về xã để mở lớp dạy nghề cho người dân. Hiện nay, Tổ hợp tác cung cấp cho các cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ ở Chương Mỹ nhiều sản phẩm như làn mây, làn guột, hộp đựng trang sức, mỹ phẩm và nhiều sản phẩm được đặt hàng riêng như ấm ủ, cốc mây…
Nghề đan cót đã được người dân các xã Vinh Quang, Trung Hòa, Kim Bình, Tân An, Nhân Lý, Linh Phú, Bình Nhân duy trì nhiều năm. Nguyên liệu sẵn có như tre, mai, giang, tranh thủ những giờ nghỉ trưa hay buổi tối người dân ngồi đan cót. Đây là nghề không nặng nhọc, người già cũng có thể làm được, tấm cót đan thành phẩm sẽ có thương lái vào tận nhà thu mua với giá 30.000 - 35.000 đồng/tấm, mỗi người có thể đạt thu nhập từ 60.000 - 120.000 đồng/ngày tùy vào điều kiện thời gian. Ông Đỗ Xuân Thành, thôn Tiên Quang 2, xã Vinh Quang cho biết, gia đình đã có 20 năm làm nghề buôn cót, cót được gia đình thu mua ở các xã để xuất khẩu; trung bình mỗi tháng gia đình ông thu mua được 1 vạn tấm cót.
Những năm qua, huyện Chiêm Hóa đã quan tâm đầu tư phát triển, mở rộng và xây dựng thương hiệu cho nhiều sản phẩm truyền thống gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm. Bên cạnh đó, huyện cũng đã đề ra nhiều giải pháp nhằm phát triển sản xuất và quảng bá các sản phẩm, các đặc sản địa phương như tham gia giới thiệu tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh. Nhiều sản phẩm nông sản, ẩm thực truyền thống được huyện giới thiệu tại hội chợ, đã thu hút được sự quan tâm của khách hàng.
Việc quan tâm đầu tư gìn giữ và phát triển các nghề truyền thống là hướng đi đúng đắn của huyện Chiêm Hóa. Đây là cơ sở để huyện phát huy nội lực và gia tăng giá trị các sản phẩm nông sản, từng bước phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập người dân.
Gửi phản hồi