Dấu chân của Bác
Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, cuối tháng 1-1941, Bác Hồ trở về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Pác Bó (Cao Bằng) được Bác Hồ chọn làm điểm dừng chân. Đến tháng 5-1945, trước những chuyển biến nhanh chóng của cách mạng, Bác Hồ quyết định rời Pác Bó về xã Tân Trào (Sơn Dương). Bác đã qua các xã Linh Phú (Chiêm Hóa), Trung Minh, Kim Quan (Yên Sơn), Minh Thanh (Sơn Dương) trước khi dừng chân tại làng Kim Long (thôn Tân Lập ngày nay), xã Tân Trào (Sơn Dương) vào ngày 21-5-1945. Tại đây, Trung ương Đảng, Bác Hồ đã có những quyết định quan trọng: Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng họp từ ngày 13 đến ngày 15-8-1945 tại khu rừng Nà Nưa quyết định chớp thời cơ lãnh đạo nhân dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền, cử ra Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc; Quốc dân Đại hội - Hội nghị Diên Hồng lần thứ hai trong lịch sử dân tộc, tiền thân của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa họp tại đình Tân Trào ngày 16 và 17-8-1945 quyết định vận mệnh của đất nước.
Bác Hồ với học sinh Trường Thiếu nhi vùng cao Tuyên Quang (tháng 3-1961). Ảnh tư liệu
Cách mạng Tháng Tám thành công, trước khi rời Tân Trào về Thủ đô Hà Nội, Bác Hồ đã cử cán bộ ở lại, tiếp tục củng cố khu căn cứ địa Tân Trào và dự báo “Biết đâu chúng ta còn trở lại đây nhờ cậy đồng bào một lần nữa”. Lời tiên đoán của Bác Hồ đã không sai. Tháng 9-1945, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta. Tháng 12-1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, một lần nữa Bác Hồ trở lại Tuyên Quang để lãnh đạo toàn dân kháng chiến. Tân Trào - Thủ đô Khu giải phóng xưa đã trở thành Thủ đô Kháng chiến, là nơi ở, làm việc của Trung ương Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận, các bộ ngành, cơ quan Trung ương. Vinh dự là nơi chở che cho cách mạng, Tân Trào cũng vinh dự là nơi ra đời nhiều quyết sách quan trọng, nhiều bài viết, bài phát biểu về đạo đức cách mạng, rèn luyện lối sống cho cán bộ, đảng viên; các sáng tác thơ văn, các bài thơ và thư chúc mừng năm mới của Bác. Từ tháng 4 năm 1947 đến tháng 8 năm 1954, Bác đã ở và làm việc tại 16 địa điểm thuộc các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa, lãnh đạo thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ, kết thúc 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp.
Ngày 19 và 20-3-1961, một niềm hạnh phúc lớn lao đối với cán bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang là được đón Bác Hồ về thăm. Bác đã đến thăm xóm Hợp Hòa 2, xã Lưỡng Vượng (thị xã Tuyên Quang), Trung đoàn 246, Nông trường Sông Lô, Trường thiếu nhi vùng cao, Trường Sư phạm cấp I Bình Thuận, Trường bổ túc văn hóa tỉnh, Trường Đảng tỉnh Tuyên Quang. Người đến dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ III; nói chuyện với nhân dân Tuyên Quang tại sân vận động thị xã; thăm và nói chuyện với nhân dân xã Tân Trào (Sơn Dương) nơi Người cùng Trung ương ở, làm việc, lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám năm 1945 và cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta chống thực dân Pháp xâm lược. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Chủ nghĩa xã hội là tất cả mọi người các dân tộc ngày càng ấm no, con cháu chúng ta ngày càng sung sướng… Mọi người đều ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, thực hành khẩu hiệu “Cần kiệm xây dựng Tổ quốc”.
Theo suốt chiều dài của cuộc kháng chiến, Bác Hồ đã có gần 6 năm ở, làm việc tại 32 địa điểm khác nhau tại tỉnh ta. Những bước chân Người đã đi qua, giờ đây đã in đậm trong mỗi mảnh đất và lòng người Tuyên Quang.
Ghi nhớ lời căn dặn
Trước cách mạng tháng Tám, thôn Tân Lập chỉ có vẻn vẹn 23 hộ dân sống tập trung ở khu vực xung quanh cây đa Tân Trào. Đến nay, thôn đã có 182 hộ, 762 nhân khẩu, gồm có các dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao. Ông Trương Văn Trình, Bí thư Chi bộ thôn Tân Lập khoe: “Lợi thế của thôn là trung tâm của nơi diễn ra các sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, nay được Đảng và Nhà nước thường xuyên quan tâm tạo điều kiện về mọi mặt, thôn đã không ngừng vận động nhân dân vươn lên phát triển kinh tế và giữ gìn những giá trị lịch sử, văn hóa của quê hương”. Chi bộ thôn Tân Lập hiện có 33 đảng viên. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, ngoài phát triển nông nghiệp, nay người dân còn tích cực chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển các sản phẩm du lịch phục vụ du khách thập phương đến tham quan khu du lịch. Nhờ đó, hiện nay thôn chỉ còn 8/182 hộ nghèo; hơn 10 năm nay, chi bộ luôn đạt trong sạch vững mạnh.
Tượng đài “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang”. Ảnh: Tư liệu
Xã Kim Bình (Chiêm Hóa) vinh dự là nơi Bác Hồ đã ở, làm việc và là nơi diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 2-1951). Những năm qua, phát huy truyền thống cách mạng, đồng bào các dân tộc trong xã luôn một lòng đi theo con đường mà Đảng và Bác đã chọn, cần cù lao động, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt, thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, người dân ở Kim Bình đã từng bước tạo ra diện mạo mới cho quê hương. Hiện nay, xã đã hoàn thành 17/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, phấn đấu hết quý II sẽ hoàn thành nốt 2 tiêu chí còn lại. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã là 54,27%, đến nay giảm còn 6,36%. 13/13 thôn đã xây dựng được nhà văn hóa mới. 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia...
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh với các đại biểu về dự Đại hội Đảng lần thứ II tại Xã Kim Bình (Chiêm Hóa) Tuyên Quang, tháng 2/1951
Một trong những niềm vui của người dân các xã vùng ATK Yên Sơn là được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng. Mới đây, từ nguồn vốn 135, xã Trung Sơn đã hoàn thành trạm biến áp 0,4 KW, trị giá 430 triệu đồng phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho người dân; hoàn thành lớp học mầm non… Xã đang tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Xã hiện có nhiều mô hình mới trong phát triển sản xuất như nuôi vịt bầu, cải tạo đàn bò vàng địa phương, trồng lúa đặc sản, trồng khoai lang, khoai tây, đậu tương vụ đông… Xã Đạo Viện đã thực hiện nhiều giải pháp xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.
Từ năm 2009 đến nay, đã có 765 lượt hộ nghèo ở xã được vay vốn phát triển kinh tế, tổng số vốn vay là hơn 7,5 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay, nhiều hộ dân đã tích cực sản xuất, không những thoát nghèo mà còn trở thành hộ có mức sống khá. Cùng với phát triển kinh tế, xã hội, nhân dân các dân tộc khu vực ATK Yên Sơn cũng đang gìn giữ các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn. Các di tích này không chỉ là địa chỉ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ mà còn được đưa vào khai thác, phát triển du lịch, nâng cao thu nhập cho người dân.
Gửi phản hồi