Lực lượng chức năng xã Thiện Kế (Sơn Dương) hỗ trợ người dân có lợn nhiễm bệnh tiêu hủy. |
Tại tỉnh ta, trong những ngày gần đây liên tiếp phát hiện những ổ dịch mới, dù tỉnh, ngành chuyên môn, các địa phương vào cuộc chống dịch hết sức quyết liệt. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh lây lan và bùng phát trên địa bàn tỉnh hiện vẫn ở mức cực kỳ nguy hiểm. Tính đến ngày 28-5, toàn tỉnh có 9 xã ở 4 huyện gồm: Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên và Chiêm Hóa có ổ dịch tả lợn châu phi, số lợn phải tiêu hủy hơn 500 con.
Theo nhận định của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, một trong những nguyên nhân khiến bệnh dịch lây lan ở các địa phương trong tỉnh nhanh như hiện nay là qua đường vận chuyển lợn thịt, lợn giống và sản phẩm từ lợn ở các tỉnh có dịch vào địa bàn tỉnh. Do giá lợn hơi, lợn giống ở các vùng có dịch xuống rất thấp nên nhiều thương lái đã tìm mua và vận chuyển vào tỉnh. Ngày 24-5, tại xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) chính quyền, cơ quan chức năng đã xác định ông Nguyễn Văn Chuyển, thôn Liên Nghĩa thu mua lợn ở miền xuôi đưa về bán lại cho bà con chăn nuôi. Điều đáng nói là những con lợn giống ông Chuyển mang về, sau khi lấy mẫu xét nghiệm tại Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương đã dương tính với dịch tả lợn châu Phi.
Ông Nguyễn Văn Thập, thôn Quang Hải, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) chia sẻ, gia đình ông mua 20 con lợn giống chỉ sau một tuần, lợn đã có biểu hiện kém ăn, sốt cao; 2 trong tổng số 20 con lợn trong đàn mới nhập về đã bị chết. Không chỉ đàn lợn mới nhập bị ốm chết mà cả đàn lợn nuôi gần đến tuổi xuất chuồng của gia đình ông Thập cũng có dấu hiệu lây nhiễm.
Bà Nguyễn Thúy Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Chiêm Hóa cho biết, ngay khi xác định được nguyên nhân làm phát tán dịch bệnh, huyện đã yêu cầu công an, quân sự hỗ trợ Trạm Thú y kiểm soát chặt chẽ, khoanh vùng, khống chế, dập dịch. 5 thôn có hộ mua lợn từ gia đình ông Nguyễn Văn Chuyển đã được kiểm soát, khống chế và tiêu hủy những con bị ốm, những con lợn khỏe mạnh tiếp tục được theo dõi.
Chốt kiểm dịch thôn Pác Chài, xã Kim Bình (Chiêm Hóa) kiểm soát, ngăn chặn phương tiện chở lợn từ vùng dịch vào địa bàn. |
Tại huyện Sơn Dương ngày 23-5, cán bộ kiểm dịch trạm Thú y Sơn Dương không làm đúng quy trình đã để chủ phương tiện là ông Đào Văn Nam lợi dụng danh nghĩa của Công ty TNHH DABACO, xã Phúc Ứng (Sơn Dương) vận chuyển lợn mua trong dân để đưa đi tiêu thụ. Trong số lợn vận chuyển đi tiêu thụ đã có 1 con chết kết quả dương tính với DTLCP. Ngày 27-5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra Quyết định số 238, tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với những cán bộ Trạm Thú y Sơn Dương do làm không đúng quy trình kiểm dịch.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, mặc dù đã được khuyến cáo, tuyên truyền không nên tái đàn trong thời điểm hiện tại nhưng do ham rẻ nên một số người dân vẫn cố tình mua con giống của các thương lái. Hiện tại ở những vùng có dịch, giá lợn hơi thường thấp hơn so với giá trên địa bàn tỉnh từ 8.000 đồng đến 10.000 đồng/kg; còn lợn giống ở mức 200.000 đồng đến 250.000 đồng/con, nếu đem vào địa bàn tỉnh có thể bán với giá từ 800.000 đồng đến 900.000 đồng/con. Lợi nhuận lớn nên một số thương lái bất chấp việc lây lan bệnh dịch cố tình buôn bán lợn từ vùng dịch vào tỉnh. Đây là nguyên nhân gây phát tán mầm bệnh ở các địa phương.
Tình hình dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với các huyện, thành phố, ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm; nghiêm cấm việc giết mổ, vận chuyển lợn, các sản phẩm từ lợn ra, vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp. Mạng lưới thú y theo dõi, sớm phát hiện dấu hiệu của dịch để tổ chức khoanh vùng, dập dịch ở phạm vi nhỏ, hạn chế đến mức thấp nhất dịch lây lan ra diện rộng. Người chăn nuôi phải thực hiện phun thuốc khử trùng, rắc vôi tiêu độc; cho lợn ăn chín, uống sôi để hạn chế dịch bệnh; người đã đi vào vùng dịch bệnh tuyệt đối không được vào vùng chăn nuôi an toàn, tránh làm lây nhiễm dịch.
Gửi phản hồi