Với những quy định của pháp luật, rõ ràng các đối tượng chống đối, cơ hội chính trị, đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc không thể đáp ứng được các tiêu chuẩn để có thể lọt vào danh sách hiệp thương ứng cử, chứ chưa nói đến việc trở thành đại biểu Quốc hội, đại diện cho nhân dân. Thế nhưng, một số đối tượng chống đối vẫn tìm cách tự ứng cử đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên việc họ tự ứng cử không phải là mong muốn được trở thành đại biểu đại diện cho nhân dân, mà thực chất là để chống phá và mưu lợi cá nhân. Việc tự ứng cử chính là cơ hội để các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị đánh bóng tên tuổi, gây tiếng vang để phục vụ cho lợi ích bản thân.
Mặt khác, đây cũng là chiêu trò phá hoại bầu cử, khi bị loại khỏi vòng Hiệp thương, họ lu loa xuyên tạc công tác bầu cử, nói xấu chế độ, xuyên tạc và phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, cho rằng việc bầu cử là thiếu khách quan, dân chủ, từ đó đòi “đa nguyên, đa đảng”, thậm chí vu cáo cho rằng chính quyền gây khó khăn cho những người tự ứng cử.
Hiện nay các công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đang được thực hiện nghiêm túc, nhằm đảm bảo cho cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, và thực sự là ngày hội của toàn dân.
Để đảm bảo cho cuộc bầu cử thành công, mỗi công dân, cần hết sức cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các đối tượng phản động, thù địch. Cần nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng, trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của mỗi người dân trong công tác bầu cử, tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Đảng. Tuyệt đối không để các đối tượng xấu lôi kéo, kích động.
Gửi phản hồi