Ông Nguyễn Ngọc Hồ, Bí thư Chi bộ thôn Bó Héo và Phó Bí thư Chi bộ Ma Hữu Đại
kiểm tra tình trạng sâu bệnh cây lúa.
Mô hình kinh tế VAC của ông Nguyễn Ngọc Hồ, Bí thư Chi bộ, trưởng thôn Bó Héo là một trong những mô hình kinh tế tiêu biểu của xã Phú Bình. Ông Hồ cho biết, gia đình ông phát triển kinh tế chăn nuôi, trồng trọt. Ngoài thâm canh ruộng lúa, ông còn trồng hơn 6.000 m2 mía, chăn nuôi lợn, gà, thả cá. Trước kia, bình quân một năm ông nuôi 3 lứa lợn, mỗi lứa từ 30 - 40 con. Từ ngày lợn rớt giá, ông chuyển sang chăn nuôi gà thả vườn. Mỗi năm, trại gà của ông xuất 2 lứa, với giá bán hiện nay khoảng 100 nghìn đồng/kg, ông thu 40 - 50 triệu đồng. Cộng thêm nguồn thu nhập từ chăn nuôi lợn, mía… tổng nguồn thu của gia đình ông đạt trên 100 triệu đồng/năm.
Mô hình kinh tế tổng hợp của Phó Bí thư Chi bộ, Phó thôn Ma Hữu Đại cũng là một trong những mô hình kinh tế tiêu biểu của thôn Bó Héo. Gia đình anh Đại phát triển kinh tế chăn nuôi lợn, trâu sinh sản, trồng mía, chuối và rừng. Anh Đại vui vẻ khoe: “Gia đình tôi vừa bán được đàn lợn 8 con. Mấy hôm nay thấy lợn lên giá, tôi bán luôn”. Gia đình anh Đại là một trong số ít hộ còn duy trì chăn nuôi lợn ở thời điểm này. Trong chuồng gia đình anh luôn duy trì nuôi khoảng 20 - 30 con lợn thịt, mỗi năm anh xuất khoảng 3 lứa lợn thịt. Gia đình anh còn có vườn sơn với 1.200 cây, một tháng gia đình anh được cắt khoảng 10 - 12 lần, mỗi lần gần 10 kg nhựa. thu gần chục triệu tiền bán nhựa sơn/tháng.
Ngoài nuôi lợn, trồng sơn, anh còn trồng mía, chuối. Theo anh Đại, tổng các nguồn thu, trừ chi phí, gia đình anh còn lãi từ 50 - 60 triệu đồng/năm. Gia đình anh Đại vừa xây xong căn nhà rộng 115 m2, tổng chi phí hơn 400 triệu đồng. Với địa bàn vùng sâu khó khăn như Bó Héo, gia đình anh Đại là một trong những hộ có đời sống cao của thôn.
Không chỉ riêng gia đình ông Hồ, anh Đại, thôn Bó Héo còn rất nhiều tấm gương đảng viên phát triển kinh tế giỏi như gia đình đảng viên Hà Ngọc Mười, Hoàng Văn Yên… Chi bộ không có đảng viên thuộc hộ nghèo, 12/12 đảng viên của chi bộ đều có cuộc sống khá.
Thôn Bó Héo có 56 hộ dân, chủ yếu là dân tộc Tày, Dao. Chi bộ xác định, cách làm hiệu quả nhất để thúc đẩy kinh tế - xã hội của thôn phát triển là mỗi đảng viên trong chi bộ tự xây dựng một mô hình kinh tế để làm gương cho người dân học tập và làm theo. Trước khi đưa một loại cây, con vào trồng, những đảng viên phải đầu tàu nêu gương làm trước. Đơn cử như việc đưa cây mía vào thôn.
Bó Héo là một trong những thôn đầu tiên của xã đưa cây mía vào trồng. Để vận động nhân dân làm theo, chính gia đình Bí thư Chi bộ Nguyễn Ngọc Hồ là 1 trong 13 hộ đầu tiên trong thôn tiên phong trồng cây mía. Noi gương ông, người dân đồng loạt đưa cây mía vào trồng. Bởi vậy, từ 1,2 ha mía ban đầu, hiện nay thôn đã phát triển được hơn 14 ha mía. Cây mía đã trở thành cây chủ lực của thôn. Đây cũng là thôn có diện tích mía cao nhất xã Phú Bình.
Điều đáng ghi nhận, từ chỗ chưa có mô hình kinh tế nào có hiệu quả, đến nay nhiều mô hình như nuôi gà, chăn nuôi trâu sinh sản, trồng mía, trồng rừng… của người dân đã được mở ra. Từ các mô hình kinh tế này đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, từng bước đưa kinh tế hộ gia đình phát triển bền vững. Tính đến nay, thôn chỉ còn 12 hộ nghèo. Bình quân mỗi năm, thôn xóa 2 hộ nghèo.
Kinh tế ổn định, người dân thôn Bó Héo chăm lo hơn đến việc học tập của con em. 100% trẻ em, học sinh đi học đúng độ tuổi. Thôn có 6 em học sinh đi học cao đẳng, đại học. An ninh trật tự địa bàn được giữ vững. Hàng năm, thôn liên tục đạt thôn văn hóa. Nhiều năm liền chi bộ đạt trong sạch vững mạnh.
Bí thư Đảng ủy xã Phú Bình, ông Triệu Kim Dung cho biết: “Chi bộ Bó Héo là chi bộ có nhiều đảng viên làm kinh tế giỏi và đồng đều nhất của xã. Sự mạnh dạn đưa các cây trồng mới, kỹ thuật tiên tiến vào canh tác đã khiến cho kinh tế các hộ thay đổi đáng kể, góp phần xóa đói giảm nghèo hiệu quả. Và sự đổi thay tư duy làm ăn bằng cách nghĩ, nếp làm mới bắt đầu từ người Bí thư chi bộ và những đảng viên nơi đây khi họ đang đầu tàu gương mẫu trong mọi việc để dân noi theo”.
Gửi phản hồi