Nhận diện các luận điệu xuyên tạc
Theo các cơ quan chức năng, thời gian qua thông qua các trang mạng xã hội, thế lực thù địch thường tung ra những luận điệu như: “Thanh niên Việt Nam phai nhạt tinh thần yêu nước”; “trong thời bình thanh niên không có nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc”; “thanh niên trốn nghĩa vụ quân sự”… Thậm chí nguy hiểm hơn, chúng còn tung những tin đồn thất thiệt với hình ảnh, video, clip cắt ghép, có nội dung thông tin chưa được kiểm chứng lên mạng xã hội với nội dung về cảnh bạo lực, quân phiệt hay cái được gọi là “cái chết oan ức” trong quân đội; hay chuyện “ma cũ bắt nạt ma mới”... Rồi chúng đưa ra những câu nghi vấn, bình luận để kích động như: “Đi bộ đội để bị đánh”; “Ai dám cho con đi bộ đội?”... Luận điệu này thực chất là chiêu bài tâm lý, để lừa bịp đánh vào những người nhẹ dạ cả tin, gây hoang mang dư luận, nghi ngờ, mất niềm tin trong nhân dân. Ngoài ra, một số đối tượng thù địch cũng đưa ra những thông tin về việc tham gia nghĩa vụ quân sự, thanh niên mất cơ hội việc làm.
Tuổi trẻ Tuyên Quang hăng hái lên đường nhập ngũ.
Mục đích của chúng là nhằm bôi nhọ hình ảnh, bản chất, truyền thống, uy tín của lực lượng Công an, Quân đội, gây ngờ vực trong nhân dân. Từ đó, tạo luồng tư tưởng khiến cho thanh niên nhập ngũ “tự diễn biến”, buông lỏng trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân với Tổ quốc, làm người dân hoang mang, không muốn cho con em mình thực hiện nghĩa vụ quân sự, Công an. Đó còn là mưu đồ hòng gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội khi các đối tượng phản động kích động người dân biểu tình, chống phá, kích động các quân nhân đào ngũ, chống đối việc thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc…
Đập tan luận điệu xuyên tạc
Anh Triệu Văn Thái, xã Hà Lang (Chiêm Hóa) là 1 trong số 900 quân nhân xuất ngũ của tỉnh hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương năm 2023. Anh Thái chia sẻ “trong quân ngũ tôi đã được rèn luyện mọi mặt, cả về thể chất, tri thức và tinh thần. Tôi và các đồng đội được học tập, tiếp thu những kiến thức chính trị, quân sự, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ; được rèn luyện tính kỷ luật và tác phong chính quy. Môi trường Quân đội giúp thanh niên rèn luyện sức khỏe dẻo dai, thể lực bền bỉ qua hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu”.
Anh Lý Văn Chuyền, xã Thượng Nông (Na Hang) chia sẻ, nhờ những năm tháng rèn luyện trong quân ngũ đã giúp bản thân có thêm bản lĩnh đương đầu với khó khăn, thử thách. Cùng với những kiến thức học được trong quân ngũ, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, anh đã bắt tay ngay vào học nghề để phát triển kinh tế. Hiện nay, anh đã là chủ của xưởng mộc uy tín của vùng. Ngoài ra, anh còn tự tìm tòi, học hỏi để phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi, kết hợp với trồng rừng. Anh trở thành điển hình trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Những năm qua, công tác tuyển quân và giao nhận quân của các địa phương trong tỉnh Tuyên Quang luôn đạt chỉ tiêu về số lượng, chất lượng, thanh niên nhập ngũ có trình độ văn hóa ngày càng cao. Năm 2024 toàn tỉnh Tuyên Quang có 1.375 tân binh lên đường nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ quân sự và nghĩa vụ Công an nhân dân. So với năm 2023, tăng thêm 100 tân binh.
Các địa phương đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Nghĩa vụ quân sự và các văn bản liên quan; giáo dục truyền thống lịch sử quê hương; tuyên truyền về chế độ chính sách đối với bộ đội xuất ngũ; quyền và nghĩa vụ công dân trong thực hiện nghĩa vụ quân sự để đoàn viên, thanh niên nâng cao nhận thức, trách nhiệm với Tổ quốc. Nhờ nâng cao nhận thức, tuổi trẻ Tuyên Quang háo hức khi được thực hiện nghĩa vụ quân sự, công an nhân dân. Trong số thanh niên nhập ngũ năm nay có 600 tân binh tình nguyện viết đơn nhập ngũ.
Cùng với đó, khi xuất ngũ, cùng với các chế độ, chính sách của quân đội, các địa phương trong tỉnh đều quan tâm hướng nghiệp cho thanh niên, đó là hành trang cần thiết để khi trở về địa phương, thanh niên có thể tìm được con đường lập nghiệp phù hợp bản thân, là những công dân tốt, có ích cho gia đình và xã hội.
Tân binh Đặng Văn Kỷ, xã Trung Minh (Yên Sơn) chia sẻ, bản thân và gia đình rất vinh dự, tự hào khi trúng tuyển tham gia nghĩa vụ quân sự, tiếp bước các thế hệ cha ông. Kỷ kể rằng: Ông nội, rồi đến bố anh đều là những người lính. Những ngày đầu tham gia quân ngũ ở Sư đoàn 316 Quân khu 2, anh đã được chỉ huy cùng các đồng đội giúp đỡ để nhanh chóng hòa nhập với môi trường quân ngũ. “Những ngày đầu xa nhà, làm quen với thao trường huấn luyện, tuy có đôi chút vất vả, nhưng đó là niềm tự hào vì thanh xuân của của mình được cống hiến, được tham gia xây dựng bảo vệ Tổ quốc” - Đặng Văn Kỷ tự hào chia sẻ.
Những hình ảnh đẹp về ngày hội tòng quân, tinh thần sẵn sàng cống hiến của tuổi trẻ toàn tỉnh cho nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc chính là những minh chứng cụ thể, xác thực nhất, là “gáo nước lạnh” dội thẳng vào những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch về nhập ngũ. Thế hệ trẻ Tuyên Quang cùng với thế hệ trẻ của cả nước luôn sẵn sàng lên đường khi Tổ quốc cần, để tôi rèn, chung sức bảo vệ quê hương đất nước ngay cả trong thời bình.
Gửi phản hồi