Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Tây Bắc làm việc tại huyện Chiêm Hóa.
Tại buổi làm việc, đoàn công tác Ban chỉ đạo Tây Bắc đã nghe đồng chí Nguyễn Việt Lâm, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện báo cáo khái quát tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử địa biểu Quốc hội và địa biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Chiêm Hóa là huyện vùng cao của tỉnh với tổng dân số 130.393 người, gồm 18 dân tộc, toàn huyện có 25 xã, 01 thị trấn với 378 thôn, tổ nhân dân (trong đó 14 xã khu vực III, 7 xã khu vực II có thôn 135, 5 xã thuộc vùng ATK). Thế mạnh về kinh tế chủ yếu là nông - lâm nghiệp, thủy sản, ngoài ra huyện tập trung vào phát triển chăn nuôi, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; những năm qua, đời sống về vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 18,34 triệu đồng/người/năm. Huyện đã hình thành được một số vùng sản xuất hàng hóa, như vùng lạc với diện tích trên 2.660 ha, vùng mía nguyên liệu trên 3.749 ha, vùng trồng rừng nguyên liệu giấy 24.500 ha; về chăn nuôi có lợi thế là đại gia súc, phát triển nuôi cá trên sông và các ao bước đầu có hiệu quả kinh tế. Về công nghiệp, huyện có 01 Cụm công nghiệp, có 5 nhà máy: 01 nhà máy Luyện Ferromangan; 01 nhà máy đũa gỗ tách xuất khẩu; 01 nhà máy chế biến lâm sản; 01 nhà máy chế biến và bảo quản nông sản; 01 nhà máy gạch nung và gạch không nung. Có 01 nhà máy thủy điện cột nước thấp (Công nghệ mới đầu tiên của Việt Nam) công suất 35MW.
Đồng chí Nguyễn Việt Lâm, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện báo cáo khái quát tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh...của huyện Chiêm Hóa với đoàn công tác.
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay huyện có 02 xã Kim Bình, Yên Nguyên đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới; 03 xã đạt từ 10-14 tiêu chí; 20 xã còn lại đạt từ 5-9 tiêu chí. Với sự đầu tư của Nhà nước, đóng góp công sức của nhân dân, đến nay 100% xã, thôn đã có đường ô tô đến trung tâm; 100% xã và 98,1% thôn bản, 98,5% hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% xã, thị trấn đã phủ sóng điện thoại di động, thuận lợi giao thông, thông tin liên lạc và xây dựng hạ tầng. Đến nay, toàn huyện thực hiện được 479 km đường giao thông nông được bê tông hóa. Đối với phát triển du lịch, Chiêm Hóa là địa phương lưu giữ nhiều bản sắc văn hóa của các dân tộc như: Hát then, hát cọi của dân tộc Tày; hát Páo dung, cầu mùa của dân tộc Dao. Năm 2013 lễ hội Lồng Tông của dân tộc Tày được Nhà nước công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia; đối với nghi lễ hát Then hiện nay Bộ văn hóa - Du lịch đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNETCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Toàn huyện có 140 điểm di tích lịch sử (trong đó có 46 di tích cấp Quốc gia, 62 di tích cấp tỉnh, 22 di tích đã lập hồ sơ khoa học để trình xếp hạng).
Đối với công tác Di dân - Tái định cư, đến nay, huyện Chiêm Hóa có 31 điểm tái định cư với 701 hộ, 3584 khẩu. Từ năm 2004 đến nay, công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã cơ bản hoàn thành, nhân dân tại các điểm tái định cư yên tâm lao động sản xuất. Các chính sách về y tế, giáo dục được ưu tiên; cơ sở hạ tầng tại các điểm tái định cư cơ bản hoàn thiện với tổng số công trình cơ sở hạ tầng đã đựơc đầu tư 401 công trình. Các công trình về điện, y tế, giáo dục, nhà văn hóa đáp ứng ngày càng tốt hơn đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào tái định cư. Công tác dân tộc tôn giáo được quan tâm, tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện công tác dân tộc trên địa bàn và tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án, các chính sách dân tộc. Huyện luôn chỉ đạo và tạo điều kiện cho các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn theo đúng pháp luật. Đồng bào dân tộc thiểu số, các tín đồ tôn giáo tin tưởng tuyệt đối vào chính sách của đảng, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong đời sống, phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo.
Đối với triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc Hội khoá XIV và đại biểu HĐND các cấp (nhiệm kỳ 2011-2016) trên địa bàn huyện được triển khai theo đúng hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh; 378/378 thôn, tổ nhân dân đã tổ chức họp thôn để quán triệt và học tập về các văn bản chỉ đạo, tuyên truyền các nội dung về thực hiện cuộc bầu cử.
Đồng chí Hoàng Thị Hạnh, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc đánh giá kết luận tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Hoàng Thị Hạnh, Phó trưởng BCĐ Tây Bắc đánh giá cao những kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng hệ thống chính trị, công tác giáo dục và đào tạo, công tác giảm nghèo và thực hiện các chính sách của nhà nước về di dân, tái định cư thủy điện Tuyên Quang, cũng như các chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Chiêm Hóa đã thực hiện trong thời gian qua. Đồng chí cũng mong muốn huyện Chiêm Hóa sẽ tiếp tục có những giải pháp cụ thể để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công tác giảm nghèo, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đặc biệt là làm tốt công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Đồng chí Ma Phúc Hà, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Chiêm Hóa tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Đoàn công tác.
Đoàn công tác ban chỉ đạo Tây Bắc, lãnh đạo huyện Chiêm Hóa thăm cơ sở may mặc
của chị Hà Thị Dung ở xã Yên Nguyên.
Trước đó, trong chuyến làm việc tại huyện Chiêm Hóa, đoàn công tác Ban chỉ đạo Tây Bắc đã có buổi làm việc với lãnh đạo xã Tân An, thăm và tặng quà cho 10 hộ nghèo đặc biệt khó khăn của xã Tân An, thăm cơ sở may mặc của chị Hà Thị Dung ở xã Yên Nguyên./.
Gửi phản hồi