Kiểm tra có trọng tâm, giám sát được mở rộng
Từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa. Hằng năm Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành chương trình kiểm tra, giám sát. Trong đó, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, nội dung, đối tượng kiểm tra, giám sát, nhiệm vụ cụ thể trong từng thời gian để tập trung chỉ đạo thực hiện, nhất là việc kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các mục tiêu chủ yếu, khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh đã đề ra và các chương trình, dự án trọng điểm của tỉnh; phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm trưởng các đoàn kiểm tra, giám sát chủ trì, chỉ đạo và triển khai các cuộc kiểm tra, giám sát theo chương trình đề ra. Từ năm 2016 đến nay, UBKT Tỉnh ủy đã tham mưu cho cấp ủy trong việc tổng hợp, đề xuất xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát, thanh tra của Đảng, Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh để thống nhất loại bỏ những nội dung, những cuộc kiểm tra, thanh tra, giám sát trùng lắp, chồng chéo.
UBKT Tỉnh ủy họp báo cáo tổng hợp đề tài Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát của Đảng ở Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang giai đoạn hiện nay. Ảnh: Quốc Việt |
Từ khi được bổ sung nhiệm vụ giám sát đến nay, công tác giám sát của Đảng bộ tỉnh được tăng cường, đổi mới cả về nội dung và phương pháp với cách làm sáng tạo, giám sát được mở rộng tới nhiều ngành, lĩnh vực. Cấp ủy các cấp, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác giám sát. UBKT các cấp chủ động, tích cực trong việc tham mưu cho cấp ủy về công tác giám sát; thực hiện đúng quan điểm “giám sát phải mở rộng”, “kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm”; tư tưởng chỉ đạo “chủ động, chiến đấu, giáo dục, hiệu quả”; chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng từng bước được nâng lên, góp phần đấu tranh ngăn chặn, phòng ngừa sai phạm của tổ chức đảng và đảng viên.
Từ đầu nhiệm kỳ đến hết tháng 6-2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thực hiện 6 cuộc giám sát đối với 124 tổ chức đảng; UBKT Tỉnh ủy thực hiện 3 cuộc giám sát đối với 8 tổ chức đảng, 2 đảng viên; các ban Đảng Tỉnh ủy giám sát 9 cuộc đối với 107 tổ chức đảng; các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy và cấp ủy cơ sở giám sát 1.461 lượt tổ chức đảng, 798 đảng viên. UBKT huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy và UBKT Đảng ủy cơ sở đã giám sát 906 lượt tổ chức đảng, 492 đảng viên.
Cách làm sáng tạo
Một trong những điểm mới, cách làm sáng tạo vận dụng các quy định về giám sát trong Đảng, phù hợp với thực tế tại Đảng bộ tỉnh là Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập các Ban Giám sát, trong đó giao UBKT Tỉnh ủy là cơ quan thường trực giúp Ban Giám sát chủ trì giám sát việc thực hiện các mục tiêu, lĩnh vực đột phá, các nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp đề ra.
Trong nhiệm kỳ 2010-2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập 2 ban giám sát chuyên đề: Ban Giám sát thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TU ngày 17/6/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XV) về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi trên địa bàn tỉnh (Ban giám sát 36); Ban Giám sát thực hiện Kết luận số 145-KL/TU ngày 26/11/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về một số giải pháp chủ yếu về kinh tế - xã hội thực hiện trong giai đoạn 2014 - 2015, phấn đấu đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (Ban giám sát 855).
Theo đó, Ban Giám sát 36 đã giám sát trực tiếp tại 627 lượt điểm trường, 122 lượt xã, phường, thị trấn và 7/7 huyện, thành phố trên về tiến độ thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Qua đó đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 36 -NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Năm 2013, tỉnh đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Ban Giám sát 855 đã tổ chức giám sát thường xuyên đối với 40 cấp ủy đảng, 40 cấp ủy viên các cấp, trong đó có 26 cấp ủy viên tỉnh, giám sát chuyên đề 7 cuộc đối với 51 lượt tổ chức đảng ở 4 lĩnh vực đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm: Phát triển nguồn nhân lực, kinh tế du lịch, cây mía đường, cây nguyên liệu giấy, cây chè; Đề án phát triển vùng cam sành trên địa bàn tỉnh; việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 01-CT/TU ngày 14/3/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Qua giám sát đánh giá những kết quả đạt được và phát hiện những tồn tại, hạn chế, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, tham mưu giúp BCH Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành 7 văn bản kết luận, yêu cầu các tổ chức, cá nhân nghiêm túc khắc phục tồn tại, hạn chế, chỉ đạo cơ quan chức năng, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc, thực hiện các giải pháp đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần quan trọng hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban Giám sát Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (Ban Giám sát 242). Hằng tháng, quý, sáu tháng, năm, Ban Giám sát tiếp nhận báo cáo của các tổ chức, đơn vị; xem xét, tổng hợp báo cáo kết quả với Ban Thường vụ Tỉnh ủy để chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; kịp thời tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong tổ chức thực hiện các mục tiêu nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp. Ban Giám sát xây dựng kế hoạch, quyết định giám sát trực tiếp một số tổ chức đảng, tổ chức 6 cuộc giám sát đối với 33 lượt tổ chức đảng. Nội dung giám sát tập trung chủ yếu vào các khâu đột phá, các nhiệm vụ trọng tâm, các chỉ tiêu chủ yếu nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và một số chương trình, đề án, kết luận, nghị quyết chuyên đề khác của BCH Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Qua hai năm rưỡi thực hiện, 15/15 nhóm mục tiêu chủ yếu vượt và đạt trên 50% so với Nghị quyết đề ra.
Trước yêu cầu công tác xây dựng Đảng và công tác kiểm tra, giám sát trong tình hình mới, đặt ra cho công tác giám sát của Đảng là phải đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này. Để tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng, trong thời gian tới, cấp ủy, UBKT các cấp cần tập trung thực hiện tốt các nội dung:
Một là, quán triệt, triển khai kịp thời các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng về công tác giám sát, nâng cao nhận thức cấp ủy viên các cấp, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác giám sát trong Đảng. Cấp ủy, UBKT các cấp phải thường xuyên chủ động xác định phạm vi, nội dung, đối tượng giám sát trong từng thời kỳ, tạo chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác giám sát, từ đó góp phần cảnh tỉnh, răn đe, chủ động phòng ngừa vi phạm khi còn manh nha.
Hai là, chủ động, đổi mới, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ giám sát trong Đảng; xây dựng chương trình giám sát cần tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, những lĩnh vực, địa bàn dễ phát sinh vi phạm, có vấn đề phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân. Thường xuyên rà soát các quy định, quy chế, quy trình về công tác giám sát trong Đảng đã ban hành, sửa đổi, bổ sung những nội dung không còn phù hợp hoặc ban hành mới theo thẩm quyền để thống nhất thực hiện.
Ba là, thường xuyên củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ UBKT các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, lựa chọn cán bộ kiểm tra có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, tinh thông nghiệp vụ, am hiểu nhiều lĩnh vực, kinh nghiệm trong công tác. UBKT cấp trên thường xuyên chỉ đạo, giám sát, hướng dẫn nghiệp vụ đối với UBKT cấp dưới trong thực hiện các quy định của Đảng về công tác giám sát.
Bốn là, nâng cao hiệu quả phối hợp công tác giữa UBKT với cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan về công tác kiểm tra, giám sát. Có sự trao đổi, phối hợp giữa công tác giám sát của Đảng với công tác giám sát của HĐND, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội nhằm tránh chồng chéo đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.
Năm là, tăng cường hoạt động chất vấn, đối thoại, phản biện trong Đảng, trong xã hội để nâng cao hơn nữa vai trò giám sát của nhân dân. Kịp thời phản ánh, phát hiện những biểu hiện suy thoái, tiêu cực, vi phạm của cán bộ, đảng viên. Đồng thời, công khai, minh bạch theo quy định những thông tin giải quyết vấn đề bức xúc liên quan đến nhân dân.
Gửi phản hồi