Dự Hội nghị tại điểm cầu huyện Chiêm Hóa có các đồng chí: Ma Phúc Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy; Hà Đức Tập, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; Nguyễn Tiến Dũng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; Thường trực HĐND huyện; lãnh đạo các Ban đảng Huyện ủy, Ủy ban MTTQ huyện; lãnh đạo Văn phòng HĐND và UBND huyện; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan và điểm cầu các xã, thị trấn: Vĩnh Lộc, Ngọc Hội, Hòa Phú, Kim Bình và Trung Hà.
Trình bày báo cáo về những nội dung chủ yếu của Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết: Đây là nghị quyết đầu tiên của Bộ Chính trị về phát triển đô thị sau 35 năm đổi mới. Nghị quyết được đưa ra trong bối cảnh tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam vẫn đang thấp hơn mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020, cần phải 20-30 năm nữa mới đạt tỷ lệ bình quân của khu vực và thế giới. Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng quát là đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hoá, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới. Thể chế, chính sách về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững cơ bản được hoàn thiện. Kết cấu hạ tầng của đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Chất lượng sống tại đô thị ở mức cao, bảo đảm đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị. Phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hoá đặc trưng được giữ gìn và phát huy. Từ mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu cụ thể được Nghị quyết 06 đề ra là: Tỉ lệ đô thị hoá đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%; tỉ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,5-1,9% vào năm 2025, đến năm 2030 đạt khoảng 1,9-2,3%.
Đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu huyện Chiêm Hóa.
Mục tiêu đề ra, đến năm 2025, Việt Nam sẽ đạt tỷ lệ đô thị hóa tối thiểu 45% với 950-1.000 đô thị, đến năm 2030, Việt Nam đạt trên 50% với 1.000-1.200 đô thị. Cũng đến 2030, Việt Nam sẽ hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng, đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục và đào tạo, văn hoá tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN. Đến năm 2045, Việt Nam sẽ xây dựng được ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế.
Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị cũng đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, trọng tâm là: Hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hoá, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững; nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững; tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị quốc gia bền vững và đồng bộ về mạng lưới; đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị và chất lượng cuộc sống đô thị, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị...Trong tổ chức thực hiện Nghị quyết số 06, Bộ Chính trị yêu cầu, các Tỉnh ủy, Thành ủy, các Ban đảng, Ban cán sự đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết tới cán bộ, đảng viên; xây dựng Chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết với lộ trình và phân công cụ thể; bổ sung, cụ thể hóa các chỉ tiêu nêu trong Nghị quyết vào kế hoạch năm và theo từng giai đoạn của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; định kỳ kiểm tra, đánh giá việc thực hiện...
Hội nghị đã nghe phát biểu tham luận của đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành, địa phương. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu chỉ đạo Hội nghị đã nhấn mạnh: Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân, Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ sớm đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra./.
Gửi phản hồi