Dự và chủ trì tại điểm cầu huyện Chiêm Hoá có đồng chí Ma Phúc Khứu, Uỷ viên BCH Đảng bộ huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện. Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo Uỷ ban MTTQ huyện và các tổ chức chính trị xã hội huyện; lãnh đạo các cơ quan đơn vị; nhà máy thuỷ điện ICT Chiêm Hoá; Chủ tịch UBND các xã, thị trấn.
Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, năm 2021 thiên tai không diễn ra khốc liệt, dị thường như năm 2020 nhưng vẫn diễn biến phức tạp, bên cạnh đó là hậu quả nghiêm trọng của đợt mưa lũ lịch sử năm 2020, nhiều khu vực chưa được phục hồi. Đây cũng là năm dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động phòng, chống thiên tai. Trong năm đã xảy ra 18/22 loại hình thiên tai, trong đó có 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới; 326 trận dông, lốc, mưa lớn; 170 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; 139 trận động đất; 403 điểm/572km sạt lở đặc biệt nguy hiểm, nhất là ở khu vực ven biển miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long. Thiên tai năm qua đã làm 108 người chết, mất tích, 95 người bị thương, thiệt hại về kinh tế trên 5.200 tỷ đồng…
Đại biểu dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại điểm cầu huyện Chiêm Hóa.
Trong năm 2021 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 17 đợt thiên tai (3 đợt do mưa to cục bộ, 14 đợt mưa to kèm dông, lốc) gây thiệt hại về người, tài sản, sản xuất và đời sống của nhân dân. Trong đó làm chết 3 người do sạt lở đất tại xã Khau Tinh (Na Hang), 1 người bị thương; 530 ngôi nhà bị đổ sập, tốc mái hư hỏng; 2 công trình đầu mối nước sạch bị vùi lấp hư hại; 2 đập dâng thủy lợi bị vỡ, 5 công trình thủy lợi bị hư hỏng, 403m kênh mương bị hư hỏng; 30.424 m đường bê tông nông thôn bị sạt lở taluy âm và các thiệt hại khác; 655 ha diện tích lúa và hoa màu ảnh hưởng… Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra ước tính trên 25 tỷ đồng.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đề nghị chính quyền các cấp ở các địa phương, tổ chức xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp; kiểm tra, rà soát kỹ phương án ứng phó thiên tai trên địa bàn theo phương châm “bốn tại chỗ” phù hợp với tình hình và điều kiện cụ thể tại địa phương; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, gắn với trách nhiệm người đứng đầu; tập trung xây dựng, củng cố, đào tạo, tập huấn, đầu tư trang thiết bị, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động cho đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã…
Gửi phản hồi