Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến toàn quốc, với sự tham gia 67 điểm cầu các Ban, bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đường truyền mở rộng đến cơ sở.
Tại Tuyên Quang, hội nghị được tổ chức trực tuyến tại 8 điểm cầu gồm: Hội trường Tỉnh ủy, Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các huyện Chiêm Hóa, Sơn Dương, Hàm Yên, Yên Sơn và thành phố Tuyên Quang. Dự hội nghị tại điểm cầu huyện Chiêm Hóa có đồng chí Ma Phúc Hà, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy; các đồng chí Ủy viên BTV Huyện ủy; Ủy viên BCH Đảng bộ huyện.
Đại biểu dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu huyện Chiêm Hóa.
Tại hội nghị các đại biểu đã được nghe báo cáo tóm tắt về việc “Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tham luận tại Hội nghị.
Tham luận tại hội nghị, các đại biểu đã cho ý kiến vào các vấn đề chủ yếu như: Động lực và sức mạnh nội sinh của văn hóa trong sự phát triển của đất nước hiện nay; hoàn thiện hệ thống pháp luật ngành văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; xây dựng môi trường văn hóa, nhiệm vụ quan trọng để phát triển văn hóa con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam và phát huy giá trị của các di sản văn hóa để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của hội nghị và vai trò của văn hóa trong tiến trình phát triển của dân tộc “văn hóa còn thì dân tộc còn”. Điều này cũng được khẳng định trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng và trong rất nhiều văn kiện xuyên suốt các nhiệm kỳ đại hội Đảng, quan điểm về văn hóa càng ngày càng hoàn thiện và có cách nhìn sâu sắc hơn.
Đồng chí Tổng Bí thư khẳng định, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực và nguồn lực nội sinh quan trọng cho phát triển bền vững đất nước. Vì vậy, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Trong xây dựng văn hóa phải lấy xây dựng, phát triển con người có nhân cách, đạo đức, có lối sống tốt đẹp làm trọng tâm; xây dựng môi trường văn hóa (gia đình, cộng đồng và xã hội) lành mạnh làm cốt lõi. Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với những đặc trưng tiêu biểu là dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.
Trước thời cơ và thách mới mục tiêu đối với văn hóa phải khơi dậy sức mạnh Việt Nam, ý chí tự lực tự cường, tạo nguồn lực nội sinh, động lực đột phá; xây dựng văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, dân chủ, khoa học và nhân văn. Xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đồng chí Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, phải đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện thể chế văn hóa, thực hiện vai trò kiến tạo của Nhà nước bảo đảm xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng hệ giá trị quốc gia - dân tộc, hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam, gia đình Việt Nam thời kỳ mới tạo môi trường, đạo đức, trí tuệ, tâm hồn, thể chất, phát huy cao độ lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng và đất nước.
Cùng với đó, tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đấu tranh với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa, ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp đạo đức, lối sống; xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế. Phát huy vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong xây dựng văn hóa và hoàn thiện nhân cách con người; chú trọng trong xây dựng Đảng về văn hóa, xây dựng văn hóa trong lãnh đạo quản lý, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa, tăng cường khả năng tiếp cận và thụ hưởng văn hóa của người dân, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền và các giai tầng xã hội....
Để thực hiện mục tiêu phát triển văn hóa trong thời gian tới cần phải tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa, xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững; tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia; hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy quản lý văn hóa, cải cách bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa...
Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045. Hội nghị là diễn đàn để lắng nghe và là dịp cổ vũ, động viên các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, triển khai thắng lợi nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Gửi phản hồi