Toàn cảnh Hội thảo tại Trung tâm Hội nghị tỉnh.
Dự hội thảo, đại biểu Trung ương có các đồng chí: Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Quốc hội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Tạp chí Cộng sản; Quân khu II.
Đại biểu tỉnh Tuyên Quang có các đồng chí: Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo Ban Tuyên giáo các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn. Hội thảo được kết nối trực tuyến tại các huyện, thành phố với gần 1.700 đại biểu tham dự.
Đại biểu dự Hội thảo tại điểm cầu huyện Chiêm Hóa.
Đại biểu dự tại điểm cầu huyện Chiêm Hóa có các đồng chí: Hà Đức Tập, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; Nguyễn Tiến Dũng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy; Lãnh đạo HĐND và UBND huyện; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện; Ủy viên Kiểm tra Huyện ủy; các đồng chí Trưởng các phòng, ban, cơ quan đơn vị cấp huyện; Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội huyện; các đồng chí báo cáo viên cấp huyện; giảng viên Trung tâm Chính trị huyện; các đồng chí Bí thư các chi bộ, đảng bộ cơ sở trực thuộc Huyện ủy.
Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu khai mạc hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Chẩu Văn Lâm, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, trong 9 năm kháng chiến, với truyền thống cách mạng, một lòng, một dạ sắt son theo Đảng, Tuyên Quang và nhân dân các tỉnh vùng căn cứ địa Việt Bắc đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử cao cả, bảo vệ an toàn tuyệt đối Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan đầu não của cách mạng, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Gần 6 năm gắn bó với Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại trong tâm khảm các thế hệ cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang những tình cảm hết sức thiêng liêng, sâu nặng; hình ảnh cao đẹp của vị lãnh tụ, nhưng hết mực giản dị, thương yêu, gần gũi của dân tộc Việt Nam. Đồng chí thay mặt Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang trân trọng cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh để hội thảo thành công. Đây là nguồn động viên, cổ vũ to lớn đối với cán bộ, nhân dân các dân tộc Tuyên Quang và các tỉnh trong vùng hội nhập, phát triển, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn tại hội thảo.
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, cách đây 75 năm, sau khi cuộc kháng chiến chống thực thực dân Pháp xâm lược nổ ra trên toàn quốc, ngày 2/4/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở lại Tuyên Quang lãnh đạo toàn quốc kháng chiến. Tuyên Quang trở thành nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và hầu hết các bộ, ngành, cơ quan Trung ương đặt trụ sở làm việc, lãnh đạo kháng chiến kiến quốc đưa cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi. Trở lại Tuyên Quang lãnh đạo toàn quốc kháng chiến là quyết định lịch sử, tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tuyên Quang - Thủ đô Khu giải phóng trở thành Thủ đô Kháng chiến, trung tâm An toàn khu của Trung ương. Từ năm 1947 đến năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cơ quan đầu não kháng chiến và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đã ở và làm việc tại Tuyên Quang. Tại Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Trung ương Đảng, Chính phủ tổ chức nhiều hội nghị quan trọng bàn về việc xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, củng cố chính quyền, quân đội; phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Đặc biệt, Tuyên Quang là nơi tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng năm 1951 tại Kim Bình (Chiêm Hóa). Những tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với đường lối kháng chiến đúng đắn của Đảng, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của nhân dân đưa cuộc kháng chiến, kiến quốc đến thắng lợi.
Đã có 44 tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các bộ, ban, ngành Trung ương, tỉnh bạn gửi đến hội thảo, trong đó có 8 tham luận trình bày trực tiếp tại hội thảo. Các tham luận đã phân tích, làm rõ hơn ý nghĩa lịch sử, bài học kinh nghiệm về chiến lược, tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với vị thế của tỉnh Tuyên Quang trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp; sự vận dụng những bài học kinh nghiệm về chiến lược, tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào công cuộc đổi mới đất nước, đổi mới nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các cấp ủy, chính quyền, xây dựng chiến lược phát triển, xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, xây dựng đội ngũ cán bộ...
Phát biểu kết luận hội thảo, Tiến sỹ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, với tinh thần trách nhiệm cao, các tham luận tại hội thảo nhận được sự quan tâm sâu sắc của các nhà quản lý, nhà khoa học, các đồng chí lãnh đạo để có được những phản ánh đa chiều về vị trí chiến lược đặt Tuyên Quang trở thành Thủ đô Kháng chiến gắn liền với các sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước.
Hội thảo cũng đã làm rõ vị trí địa chính trị của Tuyên Quang, đây là vùng đất có bề dày lịch sử, truyền thống yêu nước, luôn gắn bó với các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử. Do đó, Tuyên Quang được Trung ương Đảng, Bác Hồ đặt làm cơ quan đầu não thể hiện sự tin tưởng của Trung ương, của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó khẳng định, làm sâu sắc hơn tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua các sự kiện lịch sử có ý nghĩa trọng đại của dân tộc qua hai giai đoạn cách mạng và kháng chiến, bằng chiến lược xoay chuyển vận nước dẫn tới thắng lợi to lớn, mở ra thắng lợi lịch sử của cả dân tộc. Hội thảo cũng đã làm rõ trọng trách, sứ mệnh lịch sử của Tuyên Quang góp phần làm nên thắng lợi chung của cả nước. Qua đó cho thấy Tuyên Quang có vai trò hết sức quan trọng, bảo vệ Bác Hồ, bảo vệ Trung ương Đảng đảm bảo bí mật, an toàn cho những quyết sách quyết định vận mệnh dân tộc; khẳng định Tuyên Quang là địa chỉ đỏ in đậm những dấu ấn, sự kiện trọng đại của đất nước. Đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang tự hào với truyền thống của mình, từ đó tiếp tục phát huy xây dựng Tuyên Quang đi lên trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng và phát triển tỉnh xứng tầm với vị trí là Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến.
Gửi phản hồi