Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Ngọc Hưng
Tham dự hội thảo, về phía Trung ương có các đồng chí: Tiến sỹ Đoàn Văn Báu, Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Đại tá, Tiến sỹ Lê Thanh Bài, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam; Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Bình Ban, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử công an, Tổng cục Chính trị Công an Nhân dân; đại diện lãnh đạo Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, lãnh đạo Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; đại diện lãnh đạo Phòng Tuyên huấn, Bộ Tư lệnh Quân khu 2…
Về phía tỉnh Tuyên Quang, dự Hội thảo có đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các huyện, thành phố…
Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội thảo. Ảnh: Ngọc Hưng
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Thị Kim Dung khẳng định, trong cuộc kháng chiến chống Pháp nói chung và chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều đóng góp với vai trò vừa là hậu phương vừa là tiền tuyến.
Hội thảo khoa học “Thủ đô kháng chiến Tuyên Quang với chiến thắng Điện Biên Phủ - những giá trị lịch sử” góp phần giúp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu sâu sắc về những giá trị lịch sử, tầm vóc của chiến thắng Điện Biên Phủ; thấy rõ vai trò, vị trí và những đóng góp của Tuyên Quang cho thắng lợi chung của cả dân tộc…
Đồng chí đề nghị ngay sau hội thảo cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau: Tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền sâu rộng về giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại của chiến thắng Điện Biên Phủ; vai trò của Thủ đô Kháng chiến và những đóng góp của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang; các trường học vận dụng đưa vào quá trình giảng dạy, học tập; làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng…
Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo. Ảnh: Ngọc Hưng
Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày các tham luận: “Tuyên Quang nơi ra đời của những quyết sách quan trọng thúc đẩy cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn (Từ năm 1947-1954)”; vai trò của Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến Tuyên Quang trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc; những đóng góp của bộ đội địa phương tỉnh Tuyên Quang với chiến thắng Điện Biên Phủ; vận dụng những kinh nghiệm về công tác tuyên truyền trong chiến dịch Điện Biên Phủ để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng hiện nay…
Các đại biểu tham gia tọa đàm tại hội thảo. Ảnh: Ngọc Hưng
Hội thảo đã tổ chức Toạ đàm bàn tròn với 5 khách mời, trao đổi các chủ đề: những đóng góp với vai trò vừa là hậu phương vừa là tiền tuyến của quân dân Tuyên Quang góp phần chiến thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ; hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta tại chiến khu Tuyên Quang trong kháng chiến chống thực dân Pháp; những quyết sách trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng đã có ảnh hưởng đối với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp nói chung và chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng; kỷ niệm đáng nhớ khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ của chiến sỹ Điện Biên.
Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Ngọc Hưng
Kết luận hội thảo, đồng chí Đỗ Thu Hương, Hiệu Trưởng Trường Chính trị tỉnh nhấn mạnh, hội thảo đã đưa ra nhiều tham luận, nội dung trao đổi có ý nghĩa lịch sử quan trọng khẳng định vai trò, tầm quan trọng của Thủ đô Kháng chiến Tuyên Quang với chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Đây là tài liệu quan trọng, có ý nghĩa để Trường Chính trị tỉnh bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện kỷ yếu hội thảo. Đồng thời nghiên cứu, phục vụ trong công tác giảng dạy đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng hiện nay…
Gửi phản hồi