Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Thị Minh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Triệu Kim Long, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Ma Thị Thúy, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành; lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND các huyện, thành phố, các nhà nghiên cứu khoa học, đại diện các ban HĐND tỉnh.
|
Đề tài do Ban Dân tộc, HĐND tỉnh chủ trì, thời gian thực hiện từ tháng 7-2017 đến tháng 5-2019. Đề tài sưu tầm, hệ thống các cơ sở lý luận về ban hành VBQPPL; điều tra, đánh giá thực trạng ban hành VBQPPL cấp tỉnh ở Tuyên Quang từ năm 2004 đến năm 2016. Đồng thời điều tra, khảo sát đánh giá thực trạng việc ban hành, kết quả thực hiện các nghị quyết về cơ chế, chính sách của HĐND tỉnh; đề xuất, kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả ban hành và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách của HĐND tỉnh trong thời gian tới.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp ý kiến vào đề tài như: Tính khả thi trong thực tiễn, sự cần thiết hệ thống, rà soát các chính sách một cách bài bản để điều chỉnh cho phù hợp; làm tốt công tác tuyên truyền về cơ chế, chính sách đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các đối tượng thụ hưởng; việc ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách cần rõ mục đích, mức độ tác động đến đối tượng, nguồn lực của địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các nghị quyết; nâng cao chất lượng soạn thảo đề án dự thảo nghị quyết của các cơ quan chuyên môn và chất lượng thẩm tra của các ban HĐND tỉnh; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban HĐND tỉnh và các cơ quan liên quan; phát huy vai trò của đại biểu, tổ đại biểu trong công tác tuyên truyền về các nghị quyết...
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh: việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các nghị quyết về cơ chế, chính sách của HĐND tỉnh là một quy trình, gồm rất nhiều khâu và có sự tham gia của nhiều chủ thể khác nhau. Do đó, cần có sự rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ trong việc xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách. Các nghị quyết về cơ chế, chính sách phải khai thác, huy động sức mạnh của người dân, doanh nghiệp và tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đồng thời tháo gỡ được “điểm nghẽn” trong cải cách hành chính, nguồn nhân lực, vai trò của kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác xã, hạ tầng. Từ năm 2017 đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành gần 40 nghị quyết, cơ chế, chính sách, trong đó có nhiều cơ chế, chính sách tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do vậy, cần phải làm tốt khâu đề nghị xây dựng nghị quyết; nhìn nhận thẳng thắn đối với những hạn chế trong ban hành, tổ chức thực hiện các nghị quyết về cơ chế, chính sách của HĐND tỉnh.
Đồng chí đề nghị Ban Dân tộc cần phân tích, đánh giá rõ thực trạng, tìm ra nguyên nhân, tồn tại, hạn chế, rút ra bài học, giải pháp cụ thể. Trên cơ sở định hướng của cấp ủy, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tính khả thi trong thực tiễn, nguyện vọng của nhân dân và đòi hỏi của công tác quản lý cần xây dựng một hệ thống giải pháp khoa học, có tính sáng tạo, áp dụng vào thực tiễn ban hành cơ chế, chính sách của HĐND tỉnh trong thời gian tới. Ban Dân tộc cần vận dụng đầy đủ các phương pháp nghiên cứu khoa học, nhất là lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động của nghị quyết để có luận cứ đưa vào đề tài. Đồng chí đề nghị đơn vị chủ trì đề tài cần tiếp thu đầy đủ, rộng rãi các ý kiến đóng góp để hoàn thiện, góp phần vào công tác xây dựng, ban hành, thực hiện các nghị quyết về cơ chế, chính sách của HĐND tỉnh trong nhiệm kỳ này và các nhiệm kỳ tiếp theo.
Gửi phản hồi