Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã khẳng định để ngăn chặn và đẩy lùi các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” thì phải “xây dựng và thực hiện tốt các quy định để phát huy vai trò gương mẫu trong rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp, người đứng đầu cơ quan, đơn vị”. Thực tế cho thấy, vai trò và tính tiên phong, ý thức trước nhiệm vụ được giao của người đứng đầu có ý nghĩa quyết định trong việc thúc đẩy các hoạt động của địa phương, đơn vị. Người đứng đầu phải là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống, tác phong công tác, về năng lực; là người “đứng mũi chịu sào”, “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”. Cho nên, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu có tác động rất lớn đến kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, đơn vị.
Để mỗi cán bộ, đảng viên luôn nêu cao ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện, thì cấp ủy, người đứng đầu cần phải quan tâm, coi trọng việc rèn luyện cán bộ, đảng viên. Tạo điều kiện thuận lợi để mỗi người bộc lộ, phát huy tối đa năng lực của bản thân; lấy kết quả hoạt động thực tiễn làm tiêu chí cơ bản để đánh giá phẩm chất và năng lực cán bộ, đảng viên. Đồng thời kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy định của Trung ương về những điều đảng viên không được làm, đặc biệt là thực hiện nghiêm túc Quy định số 08-QĐ/TW của BCH Trung ương về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương”. Kịp thời phát hiện, biểu dương những tập thể, cá nhân làm tốt; xử lý nghiêm những biểu hiện sai phạm của các tập thể, cá nhân làm chưa tốt.
Phát huy vai trò của người đứng đầu, thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên sẽ góp phần tích cực đẩy lùi tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; xây dựng nền tảng tư tưởng chính trị, đạo đức, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Gửi phản hồi