Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì phiên họp.
Dự họp có đồng chí Phạm Thị Minh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh và các đồng chí Tỉnh ủy viên: Lê Thị Thanh Trà, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Ma Thị Thúy, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo các ban HĐND tỉnh.
Tại phiên họp, các đại biểu đã cho ý kiến vào báo cáo kết quả thực hiện Kết luận của Thường trực HĐND tỉnh tại phiên họp giải trình về thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, sau phiên họp giải trình, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan và các huyện, thành phố khắc phục các tồn tại, hạn chế trong việc thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, một số huyện dùng kinh phí từ nguồn kinh phí bổ sung năm 2021 để trả số tiền ứng trước của huyện trong xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật, lắp đặt bể chứa không đúng với kết luận của HĐND tỉnh và Quyết định của UBND tỉnh về phê duyệt và giao bổ sung kinh phí hỗ trợ các huyện, thành phố thực hiện thu gom, xử lý tiêu hủy bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, việc rà soát, báo cáo số lượng thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng của một số huyện chưa chính xác, dẫn đến đề nghị cấp kinh phí để vận chuyển, xử lý chưa phù hợp, phải trả lại ngân sách. Số lượng bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng chưa được thu gom, xử lý, tiêu hủy vẫn còn… Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo khắc phục những hạn chế theo báo cáo nêu. Đồng thời, thực hiện cấp bổ sung kinh phí cho một số địa phương để thực hiện. Các xã, phường thị trấn cần khẩn trương rà soát xây dựng ngay các bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đảm bảo quy định.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Tuấn phát biểu tại phiên họp.
Cho ý kiến vào tiến độ giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa XIX và kết quả tiếp công dân; tiếp nhận, xử lý đơn và theo dõi kết quả giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân tháng 4-2022, các đại biểu nhấn mạnh: qua theo dõi tiến độ giải quyết các kiến nghị của cử tri cho thấy, UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị chủ động, tích cực, trách nhiệm, chỉ đạo xem xét, giải quyết ngay kiến nghị của cử tri, công tác tiếp công dân, tiếp nhận đơn thư được thực hiên đảm bảo. Tuy nhiên, vẫn còn nội dung giải quyết các kiến nghị của cử tri còn chung chung, chưa rõ thời gian, lộ trình giải quyết, chưa đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri.
Đồng chí Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Ma Thị Thúy phát biểu tại phiên họp.
Về đề xuất nội dung giám sát của Thường trực HĐND tỉnh tháng 5, tháng 6, thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2022 và đề nghị, kiến nghị giám sát của HĐND tỉnh năm 2023, các đại biểu cơ bản đồng tình với những nội dung kiến nghị giám sát. Đồng thời, bố trí thời gian, lịch giám sát đảm bảo, phù hợp, không để chồng chéo các nội dung giám sát tại một đơn vị.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung đề nghị cần lưu ý xây dựng đề cương giám sát đảm bảo chi tiết, chặt chẽ, bao quát các nội dung theo chương trình làm việc; các nội dung giám sát cần khoa học, tránh chồng chéo với các đơn vị khác, đảm bảo mục đích, yêu cầu của các kế hoạch đã đề ra. Sau mỗi cuộc giám sát phải nêu được vấn đề cần giải quyết, kiến nghị đối với các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ, qua đó góp phần nâng cao vai trò giám sát của HĐND tỉnh.
Phiên họp cũng cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước của Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026 cùng một số nội dung quan trọng khác.
Gửi phản hồi