Mô hình nông sản sấy của chị Phạm Thị Hồng, cán bộ Văn phòng Ủy ban nhân dân xã Tri Phú.
Ở xã Tri Phú, các cán bộ, đảng viên đã quen với một “vai” hai việc, vừa là công chức xã, vừa là nhà nông chuyên cần. Cơ quan UBND xã có hơn 22 cán bộ, trong đó chiếm hơn 90% cán bộ có mô hình phát triển kinh tế. Tiêu biểu có các đồng chí Phan Thị Hồng, cán bộ văn phòng ủy ban với mô hình sấy hàng nông sản; Hứa Quang Sơn, Chỉ huy trưởng Chỉ huy quân sự xã nuôi dê vỗ béo; Ma Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã chăn nuôi thỏ… Thấy cán bộ làm hiệu quả, người dân trong xã đã tích cực làm theo. Đơn cử như mô hình nuôi ốc nhồi. Theo chân anh Triệu Phúc Phương, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã, hiện nay, trên địa bàn xã đã có gần 30 hộ dân tham gia mô hình nuôi ốc. Bí thư Đảng ủy Triệu Phúc Phương cho biết, Đảng ủy xã đang định hướng con ốc nhồi là sản phẩm đặc trưng của xã. Vì vậy, xã vừa triển khai tuyên truyền, vận động bà con tham gia mô hình nuôi ốc, anh vừa trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm và bao tiêu sản phẩm cho bà con chăn nuôi. Hiện nay, sản phẩm ốc nhồi trên địa bàn chỉ dừng lại ở giai đoạn cung cấp giống, hàng thương phẩm chưa có nhiều, cung không đủ cầu.
Ở Chi bộ Bản Sao, nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên được thể hiện ở phong trào xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2011 – 2018, thôn đã bê tông hóa gần 3.000m đường trục thôn, nội đồng, nâng tổng số đường bê tông hóa trong thôn đạt trên 90%. Đây là kết quả mà đội ngũ cán bộ, đảng viên chi bộ Bản Sao thực hiện phương châm “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Còn nhớ năm 2008, thôn mở tuyến đường từ Bản Nghiên sang thôn Bản Sao. Mở được tuyến đường phải qua đất vườn của gia đình đảng viên Chu Minh Đức. Bài toán khó được giải, sau khi gia đình đảng viên Chu Minh Đức tự nguyện hiến hơn 2.000m2 đất để thôn mở đường đi qua. Hay năm 2013, nhân dân trong thôn bê tông hóa trục đường chính vào bản. Đường lầy lội, xe ô tô không chở được vật liệu vào nơi tập kết. Ngoài số tiền đóng góp chung xây dựng đường, đội ngũ cán bộ, đảng viên trong chi bộ mỗi người ủng hộ thêm 200 nghìn mua xăng dầu và ngày công chở vật liệu vào xây dựng đường. Nhà của cán bộ, đảng viên nào trong diện giải tỏa đều tự nguyện đi đầu trong việc hiến đất, tháo dỡ tường rào, chặt cây cối để xây dựng đường.
Cán bộ, đảng viên cùng nhân dân tham gia làm đường bê tông nông thôn.
Có thể nói, từ những chủ trương, kế hoạch của cấp ủy, chính quyền xã đề ra và triển khai với việc phát huy vai trò nêu gương của các cán bộ, đảng viên đã tạo nên làn gió mới trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Năm 2018, tổng sản xuất lương thực toàn xã đạt trên 2.600 tấn, đạt và vượt kế hoạch đề ra; thu nhập bình quân đạt 1,9 triệu đồng/người/tháng; trồng rừng đạt 188% kế hoạch; chăn nuôi phát triển tổng đàn gia súc gia cầm trên 50.000 con, đạt 106% kế hoạch; tỷ lệ giảm nghèo giảm xuống còn 35%; hết năm 2018, xã Tri Phú đạt 10/19 tiêu chí nông thôn mới.
Gửi phản hồi