Phát huy tiềm năng, lợi thế tỉnh Tuyên Quang đang vươn lên đạt được nhiều thành tựu quan trọng phát triển kinh tế - xã hội.
Tự hào truyền thống lịch sử hào hùng
Ngày 4-11-1831 là ngày đầu tiên diễn ra sự kiện vua Minh Mệnh chia định ra tỉnh Tuyên Quang, đây là mốc thời gian đầu tiên đánh dấu quá trình hình thành và phát triển của tỉnh.
Dưới các triều đại phong kiến, Tuyên Quang luôn là "trấn biên" che chở cho kinh thành Thăng Long. Những trận chiến đấu quyết liệt để bảo toàn lãnh thổ, giữ vững bờ cõi nước nhà đã đưa tên đất, tên người Tuyên Quang mãi mãi đi vào những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Khi thực dân Pháp đánh chiếm Tuyên Quang, quân và dân trong tỉnh đã một lòng đoàn kết đứng lên chống giặc ngoại xâm.
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), ánh sáng cách mạng đã soi đường, chỉ lối, thổi bùng ngọn lửa yêu nước của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm 1941, Chi bộ Mỏ Than, Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh ra đời, ngay sau đó Ban Cán sự Đảng Tuyên Quang được thành lập, là dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của lịch sử Tuyên Quang.
Công nhân Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang sản xuất gỗ xuất khẩu.
Mảnh đất Tuyên Quang được biết đến là địa danh lịch sử gắn với những sự kiện trọng đại của đất nước. Trong cách mạng tháng Tám năm 1945, Tuyên Quang là Thủ đô Khu giải phóng, trung tâm lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, nơi Trung ương Đảng, Bác Hồ đã ở và làm việc, lãnh đạo Cách mạng tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Tuyên Quang tiếp tục được chọn làm Thủ đô Kháng chiến, được Bác Hồ, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận, nhiều bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương đóng trụ sở để lãnh đạo cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Trong những năm tháng lịch sử hào hùng ấy, trên mảnh đất Tuyên Quang chứng kiến những sự kiện trọng đại đất nước, quyết định vận mệnh của dân tộc như: Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng quyết định tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước; Quốc dân Đại hội Tân Trào - tiền thân của Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bầu ra Ủy ban Giải phóng dân tộc tức Chính phủ lâm thời; Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng - Đại hội đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi; Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh-Liên Việt; Đại hội liên minh nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia...
Những địa danh như Bình Ca, Km 7, Khe Lau, Cầu Cả, Tân Trào, Kim Bình... đã mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc, ghi dấu cho những đóng góp to lớn của nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang trong các giai đoạn lịch sử của đất nước.
Hiện thực hóa khát vọng phát triển
Trong suốt quá trình xây dựng, phát triển, nhất là trong những năm đổi mới, Tuyên Quang đã không ngừng đổi mới, sáng tạo để từng bước hiện thực hóa những mục tiêu phát triển. Trong mỗi chủ trương, quyết sách của tỉnh luôn xác định tầm nhìn cũng như vun đắp và nuôi dưỡng khát vọng vươn lên. Đây chính là hành trang quan trọng để Tuyên Quang đến gần đến mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.
Đặc biệt, trong hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh đã không ngừng phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh, bền vững, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, dấu ấn nổi bật trên mọi phương diện, tạo bước phát triển bứt phá.
Tỉnh tập trung tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, gắn với thực hiện chương trình xây dựng NTM lấy người dân làm chủ thể và là động lực, cùng với chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) mang đặc trưng của Tuyên Quang. Hiện nay, tỉnh duy trì, nâng cao chất lượng sản xuất 5 vùng sản xuất hàng hóa (vùng rừng trồng 190.000 ha, vùng cam trên 8.000 ha, vùng chè 8.400 ha, vùng bưởi 5.000 ha, vùng mía 2.200 ha); tỉnh có 191 sản phẩm OCOP. Cùng với đó, tỉnh xây dựng và tập trung triển khai thực hiện "Đề án xây dựng Tuyên Quang trở thành Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất và chế biến gỗ".
Đường trục phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện Yên Sơn đã hoàn thành giai đoạn 1, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại.
Du lịch của tỉnh đang tiếp tục có những bước tiến quan trọng, từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Tỉnh luôn chú trọng gắn kết chặt chẽ việc phát triển du lịch với bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa, lịch sử và bản sắc văn hóa các dân tộc. Đến nay, Tuyên Quang đã hình thành một số khu, điểm với các sản phẩm du lịch độc đáo, như: Khu du lịch Tân Trào với loại hình du lịch lịch sử, văn hóa; Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm với loại hình du lịch nghỉ dưỡng gắn với chăm sóc sức khỏe; Khu du lịch sinh thái Na Hang - Lâm Bình, điểm du lịch thác Bản Ba, huyện Chiêm Hóa với loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng, dã ngoại... Đặc biệt là, tiếp tục nâng cao chất lượng tổ chức Lễ hội Thành Tuyên để trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng có của Tuyên Quang.
Dấu ấn đột phá quan của tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay thể hiện ở việc tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện khâu đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, từng bước hiện đại. Tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Phú thọ kết nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đang dần hoàn thiện; dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đã chính thức khởi công; đường trục phát triển từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện Yên Sơn đang hoàn thiện những hạng mục cuối cùng. Đường trục phát triển từ thành phố Tuyên Quang đi suối khoáng Mỹ Lâm; đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu (Thái Nguyên) đến ngã ba Trung Sơn (Tuyên Quang); đường Ba Bể (Bắc Kạn) kết nối với Na Hang đang các bước triển khai. Những cây cầu mới như cầu Xuân Vân vượt sông Gâm, cầu Bạch Xa vượt Sông Lô; cầu Trắng vượt sông Phó Đáy... và nhiều công trình, dự án quan trọng khác đang hoàn thiện. Tất cả đã và đang tạo ra diện mạo và động lực phát triển mới cho quê hương.
Ông Hoàng Thưởng (60 năm tuổi Đảng), xã Phú Thịnh, huyện Yên Sơn bày tỏ: Qua mỗi kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh đều đặt ra những mục tiêu quan trọng nhằm xây dựng Tuyên Quang phát triển và nâng cao hơn nữa đời sống nhân dân. Những thành quả của tỉnh rất đáng trân trọng, phấn khởi, tự hào. Điều này không chỉ góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng bộ, chính quyền, mà còn tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tạo ra khí thế mới, động lực mới, sức mạnh mới để tỉnh phát triển hơn nữa trong chặng đường tiếp theo.
Mùa thu tháng 10 lịch sử về với Tuyên Quang trong sự náo nức, rộn ràng cùng những thành tựu mới của toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Tuyên Quang hôm nay đã và đang thực sự đổi khác về mọi mặt, khẳng định tầm vóc mới, diện mạo mới, vị thế mới của địa phương nằm ở giữa vùng Đông Bắc và Tây Bắc Tổ quốc. Tất cả đang chung sức, đồng lòng xây dựng Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.
Gửi phản hồi