Nhằm thực hiện kịp thời, thống nhất, toàn diện và có hiệu quả các nhiệm vụ, BHXH tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Từ đó, nhằm nâng cao nhận thức trong mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị. Ngành cũng thúc đẩy việc xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm một cách đồng bộ, thống nhất trên địa bàn tỉnh. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), giúp người dân tiếp cận thông tin và thực hiện dịch vụ công dễ dàng, nhanh chóng.
Người dân sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số để khám, chữa bệnh.
Hướng tới nền hành chính phục vụ, BHXH tỉnh đã tập trung xây dựng, phát triển ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp. Ngành đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân thực hiện các thủ tục hành chính qua phương thức giao dịch điện tử. Trong đó bao gồm: Cổng dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ ; Cổng giao dịch điện tử ngành BHXH Việt Nam tại địa chỉ , các tổ chức cung cấp dịch vụ BHXH điện tử (I-VAN); ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số. Chỉ tính riêng trong tháng 10, BHXH tỉnh đã tiếp nhận 14.073 hồ sơ về BHXH, BHYT, BHTN qua điện tử; tiếp nhận 11.853 hồ sơ qua dịch vụ bưu chính. Đến nay, với nhiều giải pháp đồng bộ, ngành BHXH đã giảm được gần 90% thủ tục hành chính, từ trên 260 thủ tục năm 2009 đến nay chỉ còn 25 thủ tục.
Bà Đỗ Thị Minh Thu, chuyên viên Văn phòng BHXH tỉnh chia sẻ, việc áp dụng công nghệ thông tin vào thực hiện nhiệm vụ đã giúp tiết kiệm thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Ví dụ như khi người dân có yêu cầu cấp lại thẻ BHYT do mất, hỏng, không thay đổi thông tin thì chỉ cần truy cập vào Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc ứng dụng VssID - BHXH số để đăng ký cấp lại thẻ.
Anh Nguyễn Văn Sơn, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) cho biết, nếu như trước đây anh mất khá nhiều thời gian để tra cứu thông tin đóng, hưởng BHXH hoặc làm thủ tục xin cấp lại thẻ BHYT thì giờ đây anh có thể dễ dàng thao tác trên ứng dụng VssID. Đây là một trong những ứng dụng tiện ích giúp các thủ tục được giải quyết nhanh gọn, chính xác hơn.
Theo phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng, BHXH tỉnh, thời gian qua, phòng đã tích cực phối hợp với Báo Tuyên Quang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tổ chức truyền thông rộng rãi đối với 25 dịch vụ công thiết yếu. Đối việc thực hiện căn cước công dân (CCCD) gắn chíp khi đi khám, chữa bệnh, ngành đã chủ động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; thông báo tại các địa điểm trong cơ sở khám, chữa bệnh để người dân dễ tiếp cận nhất.
Nhờ thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, tính đến 15-9-2022, BHXH tỉnh đã nhận được 2.899 hồ sơ, tương ứng với 6.535 trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT qua hệ thống phần mềm liên thông. Toàn tỉnh hiện có 170/170 cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai sử dụng CCCD gắn chíp để KCB BHYT đạt 100%; số lượt tra cứu bằng CCCD gắn chíp thành công để KCB BHYT 26.774/39.369 lượt tra cứu. Số người có CCCD đã được đồng bộ với cở sở dữ liệu quốc gia về dân cư đi KCB BHYT là 369.555 người.
Thời gian tới, để đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, BHXH tỉnh nỗ lực tháo gỡ khó khăn, triển khai các giải pháp về công nghệ thông tin và an toàn, an ninh thông tin, đảm bảo hệ thống phục vụ tốt nhất. Cùng với đó, tích cực phối hợp với các sở, ngành, cơ quan liên quan trong liên thông cơ sở dữ liệu, đảm bảo thông suốt, sẵn sàng.
Gửi phản hồi