Một trong những dự án được triển khai đã phát huy hiệu quả tích cực là dự án “Phục tráng một số giống lúa đặc sản tại tỉnh Tuyên Quang”. Lúa Khẩu Pái, Khẩu Lường có đặc điểm hạt gạo to, đều, nấu lên rất dẻo và thơm. Tuy nhiên, quá trình canh tác theo phương pháp truyền thống nhiều năm đã khiến giống lúa bị suy thoái, không giữ được đặc điểm nổi trội, khả năng chống chịu sâu bệnh và năng suất thấp. Dự án được triển khai từ năm 2014 đến 2016 đã phục tráng thành công giống lúa Khẩu Pái và Khẩu Lường ván siêu nguyên chủng; năng suất đạt 43 - 45 tạ/ha, cao hơn 20% so với trước khi phục tráng. Ngoài ra, dự án đã xây dựng được các quy trình phục tráng giống và kỹ thuật trồng lúa đặc sản địa phương. Từ khi kết thúc dự án đến nay, các giống lúa này vẫn đang được các xã Yên Thuận, Phù Lưu (Hàm Yên); Thượng Giáp (Na Hang) gieo trồng, nhân rộng. Đây là cơ sở phục vụ cho sản xuất đại trà và phát huy lợi thế cạnh tranh, xây dựng thương hiệu các giống lúa đặc sản của tỉnh.
Mô hình trồng lúa tím thảo dược tại thôn Yên Lộc 1, xã Hoàng Khai (Yên Sơn).
Trên cánh đồng thôn Yên Lộc 1, xã Hoàng Khai (Yên Sơn), bà Nguyễn Thị Duyên vui mừng khi 3 sào lúa tím thảo dược trồng thử nghiệm theo hướng VietGAP đã cho thu những hạt lúa, hạt gạo đạt năng suất, chất lượng cao. Có kinh nghiệm sản xuất lúa nhiều năm nhưng 2 vụ lúa năm 2022, bà Duyên tham gia đề tài khoa học “Nghiên cứu tuyển chọn và phát triển sản xuất một số giống cây trồng thảo dược (lúa tím, lúa đen và lạc đen) tại tỉnh Tuyên Quang” do Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam chủ trì. Bà Duyên chia sẻ, dù đã có kinh nghiệm sản xuất lúa nhiều năm nhưng khi tham gia dự án, bà được hướng dẫn kỹ thuật canh tác mới chi tiết từ cày lật đất, phát dọn cỏ bờ, trữ nước tưới, ủ phân, phòng trừ sâu hại không sử dụng thuốc hóa học... Lúa sinh trưởng, phát triển tốt, kháng bệnh, chống đổ; cây đẻ nhánh khỏe; gạo thơm, cơm dẻo; giá thành sản phẩm cao hơn từ 20 - 30%. Bà rất tin tưởng với nhu cầu của người tiêu dùng về nông sản sạch, lúa thảo dược có thị trường tiềm năng và giá trị kinh tế cao.
Ông Vũ Văn Dũng, Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam chủ nhiệm đề tài cho biết, đề tài đã đưa vào trồng 7 loại lúa là: Thảo cẩm 5, Thảo cẩm 9, Thảo cẩm 22, ĐH8, ĐH9, BC15 và Đài thơm số 8. Qua 2 vụ trồng thử nghiệm, đề tài đã đánh giá lựa chọn 2 loại lúa Thảo cẩm 5, ĐH 9 có năng suất lúa đạt 55 - 60 tạ/ha, cơm ngon; thích nghi với điều kiện tự nhiên, tập quán canh tác của bà con nông dân trên địa bàn để tiến hành nhân rộng. Đây là 2 giống lúa cho sản phẩm gạo có đặc tính thảo dược, giàu vi chất dinh dưỡng, vi lượng và các vitamin A, B (B1, B2, B6), Lipit, chất xơ, chất Omega chống ung thư, chống loãng xương...
Cùng với quá trình triển khai đề tài, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các sở, ngành, địa phương, các đơn vị mở nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa, nông nghiệp công nghệ cao cho nông dân. Ngoài ra, hàng năm, ngành Nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan trồng khảo nghiệm, trình diễn hơn 100 mô hình áp dụng giống lúa mới để lựa chọn ra những giống lúa có ưu thế để bổ sung vào cơ cấu giống thay thế những giống cũ bị thoái hóa. Ngoài mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo, các loại cây giống lúa mới còn có khả năng chống, chịu sâu, bệnh hại, điều này đã giảm thiểu việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo các điều kiện cho một nền sản xuất sạch. Một số giống lúa mới chất lượng cao rất tiềm năng như: giống lúa thuần VNR225, ĐB18, giống lúa lai VT404... đạt năng suất từ 70 - 76 tạ/ha đang được trồng thử nghiệm đáp ứng các yêu cầu về năng suất, chất lượng trong sản xuất lúa gạo của tỉnh ta hiện nay.
Thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ đẩy mạnh lựa chọn các đề tài tiếp cận với xu hướng công nghệ, các phương pháp canh tác lúa thông minh, thân thiện với môi trường; bố trí kinh phí kịp thời, cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện đề tài; tham mưu, xây dựng cơ chế khuyến khích người dân và doanh nghiệp tích cực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp...
Gửi phản hồi