Giảng viên trường Cao đẳng du lịch Hà Nội hướng dẫn học viên huyện Chiêm Hóa cách thức chuẩn bị cơ sở vật chất đón tiếp khách du lịch. |
Vừa qua, tại Nhà văn hóa thôn Bó Củng, xã Kim Bình (Chiêm Hóa), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội đã tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cộng đồng. Đối tượng tham gia gồm các hộ gia đình thực hiện mô hình du lịch cộng đồng trên địa bàn 6 xã: Tân An, Trung Hà, Tân Thịnh, Kim Bình, Phúc Sơn, Hùng Mỹ. Trong 3 ngày, học viên được truyền đạt kiến thức cơ bản về nghiệp vụ làm du lịch cộng đồng như: tổ chức kinh doanh các sản phẩm du lịch cộng đồng, tâm lý và kỹ năng giao tiếp trong phục vụ khách du lịch, đón tiếp và phục vụ khách lưu trú tại nhà, hướng dẫn tham quan cho khách du lịch.
Anh Bàn Văn Hùng, thôn Bản Biến, xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa) nói, trước đây khi có du khách đến anh chưa biết cách giới thiệu vẻ đẹp quê hương, nét đẹp văn hóa địa phương. Tuy nhiên, qua thời gian bồi dưỡng ngắn hạn lần này anh được hướng dẫn cụ thể các phương pháp thuyết minh viên cộng đồng. Trong đó gồm quy trình hướng dẫn, công tác chuẩn bị và hoàn thiện bài giới thiệu cho khách du lịch… Lớp tập huấn đã trang bị những kiến thức cần thiết và bổ ích cho những hộ làm du lịch như gia đình anh.
Chị Nguyễn Thị Huế, Phó Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, trong phát triển du lịch cộng đồng, bên cạnh khai thác tiềm năng vẻ đẹp sẵn có thì việc trang bị kiến thức, nâng cao kỹ năng làm du lịch cho người dân bản địa luôn được ngành quan tâm. Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Đại học Văn hóa Hà Nội, Cao đẳng Du lịch Hà Nội, Đại học Tân Trào mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ làm du lịch cho người dân.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng có nhiều cách làm nâng cao chất lượng du lịch cộng đồng trên địa bàn như đầu tư cơ sở vật chất khu du lịch, kết nối các công ty lữ hành… Đặc biệt là chú trọng nâng cao kỹ năng làm du lịch cho người dân bản địa. Ông Hoàng Minh Đằng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Na Hang cho biết, hiện nay toàn huyện có 23 hộ làm du lịch homestay. Những năm qua, huyện thường xuyên phối hợp với trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Tân Trào mở lớp tập huấn nghiệp vụ ngắn hạn về du lịch cho đại diện các hộ làm du lịch tham gia. Gần đây nhất, huyện đã mời giảng viên trường Đại học Văn hóa Hà Nội lên giảng dạy cho 74 học viên là chủ hộ homestay, chủ hộ có kinh doanh dịch vụ thuyền dẫn khách trên lòng hồ, trưởng thôn có điểm du lịch cộng đồng. Các học viên được trang bị kỹ năng chào đón khách, cách thức giới thiệu điểm du lịch của huyện, kỹ năng giao tiếp...
Cùng với kỹ năng mềm về du lịch, các địa phương cũng chú trọng đào tạo người dân cách khai thác đặc sản địa phương để phục vụ du lịch. Ông Chẩu Minh Vỹ, chủ homestay Anh Thế, thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can (Lâm Bình) bày tỏ: “Nhiều du khách rất thích thú với những món ăn miền núi đặc trưng của huyện. Bởi vậy, không chỉ chú trọng chất lượng món ăn, chúng tôi còn quan tâm đến hình thức trình bày món ăn sao cho khác lạ, đẹp mắt; cách giới thiệu món ăn độc đáo, hấp dẫn… Tất cả đều được cán bộ văn hóa, giảng viên du lịch đến tận nhà hướng dẫn cụ thể”.
Với mong muốn làm du lịch cộng đồng sẽ trở thành kỹ năng cho người dân địa phương, các sở, ban ngành, địa phương đã có những cách làm thiết thực. Các lớp học ngắn hạn kết hợp trải nghiệm thực tế đã trang bị nhiều kiến thức, kinh nghiệm cho người dân, giúp họ từng bước chuyên nghiệp hóa trong làm du lịch cộng đồng từ đó thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn.
Gửi phản hồi