Cao Bằng - Điểm du lịch hấp dẫn
Suối Lê-nin, núi Các Mác tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (Cao Bằng). |
Cái cò lặn lội bờ sông/Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non/Nàng về nuôi cái cùng con/Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng.
Câu ca dao xưa không biết từ lúc nào đã trở thành niềm thôi thúc mạnh mẽ nhiều du khách muốn được khám phá về vùng đất nơi địa đầu Tổ quốc này.
Với những nét độc đáo, đặc sắc về cảnh quan, lịch sử và văn hóa, trong đó, Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) Non nước Cao Bằng với những giá trị đặc biệt về địa chất, địa mạo, Cao Bằng là điểm đến hấp dẫn, lý thú không thể bỏ qua của du khách trên hành trình đến với vùng Việt Bắc.
Cao Bằng nổi tiếng với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước. Cùng với đó, Cao Bằng còn có nhiều điểm du lịch lịch sử nổi tiếng, hấp dẫn khác, như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo - nơi ghi dấu sự thành lập và hoạt động của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam; Di tích đồn Phai Khắt - Nà Ngần là 2 trận đấu đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân sau khi được thành lập; Khu di tích lịch sử Chiến dịch Biên giới 1950 - Chiến dịch đầu tiên và cũng là duy nhất Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ra mặt trận chỉ huy quân và dân ta đánh giặc; Khu di tích Anh hùng liệt sỹ Kim Đồng …
Cao Bằng cũng được biết đến với hình ảnh thác Bản Giốc hùng vĩ hòa quyện giữa cảnh quan núi rừng, tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình. Thác Bản Giốc được xem là dòng thác đẹp nhất Việt Nam, nằm trên đường biên giới Việt - Trung, là thác nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á và lớn thứ tư thế giới trong các thác nước nằm trên một đường biên giới quốc gia.
Cùng với thác Bản Giốc, thiên nhiên còn ưu ái ban tặng cho mảnh đất nơi đây hàng loạt những hang động tự nhiên đồ sộ, hoang sơ, kỳ thú, như: Động Ngườm Ngao (Trùng Khánh), hang Dơi (Hạ Lang), hang Ki Lu, hang Khuổi Khua (Phục Hòa), Khu Phja Oắc - Phja Đén (Nguyên Bình) và quần thể hồ - sông - hang ngầm Thang Hen (Trà Lĩnh), tạo thành vùng du lịch sinh thái kỳ thú, hấp dẫn nhiều du khách.
Ngoài ra, với nhiều dân tộc quần cư sinh sống, như: Tày, Nùng, Mông, Dao, Kinh, Hoa, Lô Lô…, đây cũng là vùng đất có nền văn hóa đặc trưng hấp dẫn khách du lịch đến khám phá và trải nghiệm. Đến Cao Bằng, du khách có thể thưởng thức những điệu hát then - đàn tính, hát lượn, sli, Dá Hai...; khám phá nét độc đáo trong các nghi lễ của dân tộc thiểu số, như: Lễ mừng thọ của người Tày, Lễ cấp sắc dân tộc Dao, Sán Chỉ, đám cưới của người Lô Lô đen, người Mông; Lễ hội Nàng Hai, Hội Thanh Minh, Hội chùa Sùng Phúc… và thưởng thức những đặc sản nổi tiếng, mang đậm nét ẩm thực dân tộc, như: thịt vịt quay, phở chua, bánh coóng phù, lạp sườn, xôi trám, hạt dẻ, bánh chè lam… Sau đó, du khách đừng quên mua quà lưu niệm của miền biên viễn Cao Bằng về tặng người thân bằng những kỷ vật rất độc đáo, như: nón lá, khèn Mông, thổ cẩm, đàn tính...
Đến với Cao nguyên đá Đồng Văn
Sau khi đã khám phá vùng non nước Cao Bằng, tiếp tục theo Quốc lộ 34, qua “con đường Hạnh Phúc”, du khách sẽ đến với CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang).
Nằm ở độ cao trung bình 1.000 - 1.600 m so với mực nước biển, Cao nguyên đá Đồng Văn trải dài diện tích gần 2.356 km² thuộc 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn. Đồng Văn có tới 80% diện lộ đá vôi, được tạo thành từ những điều kiện môi trường và giai đoạn phát triển rất khác nhau kéo dài hàng trăm triệu năm và chứa đựng những vết tích về lịch sử phát triển của vỏ trái đất.
Cột cờ Lũng Cú trên Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang). Ảnh: Internet |
Đến với Cao nguyên đá Đồng Văn, du khách sẽ được đi trên cao nguyên đá hùng vĩ, những cánh đồng hoa tam giác mạch bát ngát, những ruộng bậc thang lúa chín vàng. Đứng trên đỉnh Mã Pì Lèng nhìn xuống là dòng sông Nho Quế uốn lượn theo chân núi như một dải lụa mềm, chiêm ngưỡng Cột cờ Lũng Cú...
Ngoài giá trị địa chất, giữa muôn trùng núi đá kỳ vĩ, vùng đất này còn là nơi chung sống của đồng bào các dân tộc như: Mông, Dao, Tày, Nùng, Lô Lô, Pu Péo… ẩn chứa nhiều truyền thống văn hóa đặc sắc. Trong đó, phải kể đến phiên chợ tình Khau Vai diễn ra vào ngày 27/3 (âm lịch) hằng năm. Sự hùng vĩ của núi rừng, phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, thơ mộng cùng nền văn hóa và lòng hiếu khách của con người trên Cao nguyên đá tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho du khách một lần đến với Đồng Văn.
So sánh về vẻ đẹp của CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn và CVĐCTC Non nước Cao Bằng, Phó Giáo sư - Tiến sỹ Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam nói: Nếu nói CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn là một chàng trai mạnh mẽ, dữ dội, nam tính thì CVĐCTC non nước Cao Bằng là một thiếu nữ dịu dàng, nữ tính. Hai CVĐC là sự bổ trợ, bổ sung rất có giá trị cho nhau, cùng góp phần để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực giữa chúng (các huyện phía Đông Hà Giang và phía Tây Cao Bằng) cũng như trên toàn miền Đông Bắc Việt Nam.
Tuyên Quang - Thủ đô Kháng chiến
Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có 584 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có 133 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia (có 6 danh lam thắng cảnh) và 250 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Nổi bật nhất là Khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào, đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Nơi đây từng là “Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến”, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã ở, làm việc trong kháng chiến.
Cây đa Tân Trào trong Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang). Ảnh: Internet |
Tuyên Quang còn có gần 70 di tích đền, chùa không chỉ nổi tiếng linh thiêng, mà còn có bề dày lịch sử, kiến trúc độc đáo cổ xưa, với phong cảnh hữu tình, nguyên sơ, huyền bí như đền Lâm Sơn, đền Cảnh Xanh, đền Mỏ than, chùa An Vinh, chùa Hang, đền Pác Tạ, đền Thác Cái, chùa Phúc Lâm, đền Bách Thần, đền thờ Bác Hồ. Ngoài ra, có trên 40 lễ hội được duy trì tổ chức hằng năm, trong đó Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến dịp Trung thu, Tuyên Quang diễn ra “Lễ hội Thành Tuyên”. Lễ hội được nhân dân các dân tộc Tuyên Quang tổ chức với sự tham gia, đóng góp tự nguyện sức người, sức của làm nên những mô hình yêu thích, diễn diễu trên đường phố, trong đó đặc biệt là nhân dân thành phố Tuyên Quang.
Để phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các di sản lịch sử, văn hóa, Tuyên Quang tăng cường kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng du lịch kết hợp với triển khai đồng bộ các dự án phục hồi, tu bổ, tôn tạo các di tích. Chú trọng sưu tầm, khai thác, phát huy các giá trị di sản văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Xây dựng dự án bảo tồn các làng văn hóa trên địa bàn nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, kết hợp khai thác phát triển du lịch cộng đồng. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết du lịch vùng ATK với các khu du lịch thuộc các tỉnh lân cận và trong vùng Việt Bắc.
Miền đất ''Đệ nhất danh trà''
Thái Nguyên đệ nhất danh trà/Nước xanh như cốm đậm đà tình em/Ai qua nhớ ghé vào xem/Để rồi thưởng thức vấn vương cõi lòng.
Khi đọc những câu thơ trên chắc hẳn ai cũng muốn đến với Thái Nguyên, đến với vùng chè nổi tiếng bao đời nay. Là một tỉnh Đông Bắc Bộ nằm tiếp giáp Thủ đô Hà Nội, Thái Nguyên là cửa ngõ giao lưu kinh tế - xã hội giữa vùng đồng bằng Bắc Bộ với các tỉnh trung du miền núi. Vùng đất này được thiên nhiên ban tặng những điều kiện vô cùng phù hợp để phát triển canh tác nông - lâm nghiệp, đặc biệt là cây chè. Chính vì lẽ đó, Thái Nguyên được ví là miền đất “Đệ nhất danh trà”.
Có thể nói, hầu hết vùng quê nào của Thái Nguyên cũng có chè, nhưng tập trung và nổi tiếng nhất chính là vùng chè Tân Cương. Vùng chè đặc sản Tân Cương nằm cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 10 km về phía Tây Nam, tập trung chủ yếu ở 3 xã: Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu, với diện tích trồng chè trải rộng hơn 1.300 ha. Nơi đây không những nổi tiếng với sản phẩm chè ngon hảo hạng mà còn có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, núi sông thơ mộng và gần với khu du lịch Hồ Núi Cốc, thuận tiện cho du khách kết hợp tham quan. Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho vùng đất này linh khí, hồn cốt, làm nên thứ chè đặc sản mà ai đã từng thưởng thức thì khó có thể nào quên.
Đồi chè Tân Cương, Thái Nguyên. Ảnh: Internet |
Du lịch Đồi chè Tân Cương, bạn sẽ được dịp chiêm ngưỡng những nương chè xanh mướt mát, mà khi lên hình càng thêm lung linh sắc màu thơ mộng; được ngắm nhìn những động tác hái chè điêu luyện như đang múa của chị em phụ nữ trên nương và tìm hiểu cách thức sao chè, vò chè bằng phương pháp truyền thống lẫn hiện đại. Ngoài ra, bạn có thể tìm đến thăm thú những cây chè cổ nhiều năm tuổi tại xóm Lam Sơn ngay dưới chân núi Guộc và nghe người già kể những chuyện thú vị về Đồi chè Tân Cương.
Không chỉ được biết đến là thủ phủ của chè với hương vị khiến thực khách mê mẩn ngay từ lần đầu nhấp môi, Thái Nguyên còn hấp dẫn du khách bởi hàng loạt thắng cảnh tự nhiên cùng những di tích lịch sử vô cùng hấp dẫn du khách, như: Hồ Núi Cốc, khu di tích lịch sử ATK ở xã Phú Đình, thác bạc 7 tầng Khuôn Tát, di tích hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà trong vắt, đèo De, đình Kha Sơn, chùa Mai Sơn, rừng Mấn, núi Hồng...
Về xứ Lạng
Nằm ở cửa ngõ phía Bắc của Tổ quốc, nơi có 253 km đường biên giới với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), Lạng Sơn đã được thiên nhiên ưu ái dành tặng nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển thương mại và du lịch. Vì thế du lịch Lạng Sơn ngày càng hấp dẫn và thu hút khách du lịch hơn.
Một lần đặt chân đến với Lạng Sơn, hẳn bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp nên thơ “sơn thuỷ hữu tình” của cảnh quan thiên nhiên nơi đây. Cùng với dòng sông Kỳ Cùng chảy ngược về phương Bắc nằm giữa lòng thành phố như một điểm nhấn ấn tượng là quần thể di tích Nhị - Tam Thanh - “Đệ nhất bát cảnh Xứ Lạng” và nổi tiếng hơn với biểu tượng về lòng chung thuỷ sắt son của người phụ nữ Việt Nam - nàng Tô Thị bồng con đứng ngóng chồng nơi ải Bắc, mà từ lâu đã tạc vào trong lòng mỗi người dân đất Việt bằng câu ca dao: Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh.
Lạng Sơn còn có chợ Kỳ Lừa lúc nào cũng đông vui, tấp nập người bán, người mua. Khu chợ nổi tiếng này đã có từ cách đây hàng trăm năm, mỗi tháng họp sáu phiên vào các ngày 2, ngày 7 âm lịch. Chợ Kỳ Lừa là nơi giao lưu văn hóa của các dân tộc ít người. Vào các ngày chợ phiên, thanh niên các dân tộc Tày, Nùng, Dao nô nức về đây để mua sắm hàng hóa, tìm bạn gặp gỡ, trao đổi tâm tình. Chợ Kỳ Lừa ngày nay đã được tôn tạo và mở cửa cả ngày và đêm. Với không khí trong lành của núi rừng miền biên cương, cùng với cảnh và người đi chợ đêm gây được ấn tượng sâu sắc khó phai đối với khách đến Lạng Sơn
Danh thắng tượng đá nàng Tô Thị tại thành phố Lạng Sơn. Ảnh: Internet |
Nói đến du lịch Lạng Sơn, không thể không nhắc đến dãy núi Mẫu Sơn nằm ở độ cao 1.541m so với mặt biển, với diện tích 10.470 ha, khí hậu ôn hòa, nhiệt độ trung bình năm 15,6 độ C, rất thích hợp cho nghỉ dưỡng. Mùa hè ở đây khí hậu mát mẻ, mùa đông đỉnh núi luôn bị sương mù bao phủ, những ngày giá rét thỉnh thoảng có tuyết rơi. Khi mùa xuân về, cả vùng Mẫu Sơn đỏ rực hoa đào. Hiện Mẫu Sơn đang triển khai dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng và có nhiều dự án phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch leo núi.
Lạng Sơn là mảnh đất có bề dày văn hóa gắn với truyền thống, tôn giáo, tín ngưỡng với hơn 300 lễ hội truyền thống đặc sắc. Bên cạnh đó, gắn với quá trình dựng nước và giữ nước của cha ông, Lạng Sơn có hơn 600 di tích lịch sử, di tích cách mạng, như: Ải Chi Lăng, Thành Nhà Mạc… Lạng Sơn từ lâu được biết đến là mảnh đất tạo ra những sản vật Xứ Lạng rất độc đáo như: vịt quay mác mật, lợn sữa quay, bánh cao sằng, bánh cuốn trứng, bánh áp chao, phở chua, rượu Mẫu Sơn, hồng Bảo Lâm, quýt Bắc Sơn…
Lung linh “Hồ trên núi”
Ngược Quốc lộ 3, du khách tiếp tục khám phá những giá trị di sản của tỉnh Bắc Kạn. Nơi đây có nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch, đặc biệt là phát triển du lịch sinh thái.
Về tài nguyên du lịch tự nhiên, Bắc Kạn có nhiều hang động, thác, hồ như: Động Puông, động Hua Mạ, động Nà Phoòng, thác Đầu Đẳng, thác Bản Vàng (huyện Ba Bể); động Nàng Tiên, thác Nà Đăng (huyện Na Rỳ); thác Nà Khoang (huyện Ngân Sơn); thác Khuổi Đeng (huyện Chợ Mới); thác Bạc, động Áng Toòng (Thành phố Bắc Kạn)... Đặc biệt, hồ Ba Bể nằm ở trung tâm Vườn Quốc gia Ba Bể là danh lam thắng cảnh đẹp được công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia năm 1996, được Thủ tướng Chính phủ công nhận, xếp hạng Di tích danh thắng Quốc gia đặc biệt (năm 2012). Hội nghị các Hồ nước ngọt thế giới tổ chức tại Mỹ tháng 3/1995 đã công nhận hồ Ba Bể là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ, đây là lợi thế riêng có của du lịch Bắc Kạn. Vườn Quốc gia Ba Bể còn được công nhận là di sản Quốc gia, di sản ASEAN, khu RAMSAR (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế) thứ 1938 của thế giới và là khu RAMSAR thứ 3 của Việt Nam.
Bắc Kạn còn có các di tích lịch sử cách mạng thuộc khu ATK (Bản Ca, Pù Cọ, Nà Quân, Nà Pậu, Khuổi Linh, đồi Khau Mạ...); di tích Nà Tu, di tích Đồn Phủ Thông, di tích chiến thắng Đèo Giàng (huyện Bạch Thông)…
Hồ Ba Bể (Bắc Kạn). Ảnh: Internet |
Đồng chí Hà Văn Trường, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Kạn cho biết: Năm 2017, Bắc Kạn lựa chọn Di tích danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia đặc biệt hồ Ba Bể là nơi tổ chức Chương trình du lịch “Qua những miền di sản” lần thứ IX và Tuần du lịch Ba Bể - Bắc Kạn. Chương trình đã giúp tỉnh Bắc Kạn giới thiệu, quảng bá rõ nét về vẻ đẹp nguyên sơ đầy thơ mộng, hữu tình của hồ Ba Bể và các nét văn hóa, sinh hoạt đặc sắc của đồng bào các dân tộc trong tỉnh nói riêng, sắc thái văn hóa các tỉnh vùng Việt Bắc nói chung. Vì vậy, tham dự Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ X tổ chức tại Cao Bằng năm nay, tỉnh Bắc Kạn tham gia đầy đủ các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch với nhiều hình thức, nội dung phong phú, hấp dẫn với kỳ vọng tiếp tục được giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch của tỉnh đến với du khách nhiều hơn nữa.
Biết kể sao cho hết những điểm du lịch hấp dẫn tại vùng đất đầy tiềm năng du lịch này. Hãy thử một lần đến đây và cùng khám phá vẻ đẹp thiên nhiên cũng như con người nơi vùng cao Việt Bắc.
Gửi phản hồi