Người dân xã Hồng Thái (Nà Hang) thu hái lê. Ảnh: Đức Toàn
Tại tỉnh ta, ngoài những lợi thế về tiềm năng của các địa phương có nghề truyền thống, sự thuận lợi về vị trí, khoảng cách của các khu vực này với các khu du lịch cũng tạo điều kiện tốt cho việc gắn kết sự phát triển du lịch với các sản phẩm nông nghiệp. Ví dụ như xã Tân Trào nơi ghi dấu rất nhiều điểm di tích nổi tiếng có đặc sản mật ong Tân Trào, làng nghề chè Vĩnh Tân; Nà Hang, Lâm Bình nổi tiếng với những thắng cảnh vùng lòng hồ thủy điện, cũng được biết đến với những đặc sản truyền thống như rượu ngô men lá, thịt trâu khô, măng rừng; Kim Bình, Chiêm Hóa được biết đến là nơi tổ chức đại hội đầu tiên trong nước của Đảng nổi tiếng với món ăn mắm cá ruộng, rượu chuối Kim Bình... Việc tạo nên chuỗi sản phẩm hàng hóa nông nghiệp với nhiều tiềm năng đang cần được đánh thức.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, khi xác định giá trị nông nghiệp nền tảng cần khai thác trong hoạt động du lịch, cần tính đến xu hướng về nhu cầu, mong muốn của khách du lịch: Không chỉ tham quan mà còn có trải nghiệm, biết về văn hóa nông nghiệp, cùng nấu ăn với gia chủ; chăm sóc, thu hoạch cây trồng, vật nuôi... Cũng cần tính tới tiềm năng du lịch nông nghiệp của từng địa phương khác nhau, từ đó phát huy lợi thế so sánh, tránh việc “trăm hoa đua nở”, nơi đâu cũng có những sản phẩm giống nhau. Những giá trị nông nghiệp cần khai thác bao gồm văn hóa nông nghiệp - yếu tố con người gắn với các sản phẩm nông nghiệp, hoạt động sản xuất nông nghiệp... Với mục tiêu tạo lợi thế so sánh về sản phẩm nông nghiệp cho người nông dân, phát triển chuỗi sản phẩm gắn với du lịch, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân, hướng tiếp cận đó là câu chuyện mở đầu cho những nghiên cứu đa dạng và tạo những điểm nhấn quan trọng cho “mối nhân duyên” du lịch và nông nghiệp.
Vừa qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã chủ động xây dựng, quảng bá các sản phẩm ngành nông nghiệp phục vụ du lịch của địa phương. Sở phối hợp với đoàn làm phim “S - Việt Nam” của Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng một số tập phim giới thiệu về du lịch Tuyên Quang, qua đó giới thiệu các món ăn truyền thống như vịt bầu Minh Hương, cam sành (Hàm Yên), rượu ngô Nà Hang, thịt trâu khô, bánh gai Chiêm Hóa... Hình ảnh nông nghiệp và các đặc sản địa phương được giới thiệu trong các ấn phẩm du lịch, quảng bá du lịch, hội chợ du lịch, từ đó mở ra cơ hội để thu hút đầu tư, mở rộng sản xuất các sản phẩm phục vụ cho khách du lịch và chuyển đổi thành các điểm tham quan du lịch...
Trang trại nuôi cá lồng của HTX Yên Lập (Chiêm Hóa).
Và để phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, người nông dân cũng cần được tổ chức tập hợp lực lượng dưới hình thức nhóm sản xuất, hợp tác xã dựa trên những lợi thế so sánh từng vùng, điểm du lịch khác nhau để xây dựng mô hình quản lý và tổ chức sản xuất, kiểm soát chất lượng và tiếp thị tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho người dân. Người dân từng bước nâng cao nhận thức, thông qua các lớp tập huấn “cầm tay chỉ việc”, biết cách khai thác tối đa lợi ích của sản phẩm nông nghiệp do họ làm ra; được kiểm soát chất lượng và tiếp thị tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại chỗ mang thương hiệu của từng địa phương gắn với phát triển các tour, tuyến điểm du lịch.
Song, vấn đề quan trọng nhất là cần có sự đầu tư nghiên cứu khoa học và công nghệ, giúp người dân có thể chuyển đổi từ sản phẩm nông nghiệp đơn thuần thành hàng hóa. Hiện, một số địa phương đã thu hút được các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia sản xuất, phân phối sản phẩm đặc sản địa phương như mô hình sản xuất mắm cá ruộng của HTX nông lâm nghiệp Kim Bình; sản phẩm rượu ngô Nà Hang của Công ty TNHH Trung Thoan; chè xanh đặc sản của Hợp tác xã Vĩnh Tân...
Gửi phản hồi