Lớp học của cô Quan Thị Yêu tại điểm trường Bản Biến, xã Phúc Sơn.
Là thôn vùng cao đặc biệt khó khăn của xã Phúc Sơn, Bản Biến có trên 170 hộ gia đình, chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao. Nhiều năm trở lại đây cùng với sự quan tâm đầu tư của nhà nước, sự nỗ lực cố gắng của bà con trong thôn, đời sống, vật chất, tinh thần của người dân ở Bản Biến đã được nâng lên rõ rệt. Vì vậy việc học của con em trong thôn cũng được các bậc phụ huynh quan tâm hơn. Cô giáo Quan Thị Yêu, người có thâm niên 6 năm gắn bó với điểm trường Bản Biến, chia sẻ: ngay từ ngày đầu công tác, cô đã được phân công vào dạy lớp 1 tại điểm trường này. Trải qua 6 năm gắn bó với các em nhở ở đây, không còn những bỡ ngỡ ban đầu, giờ đây cả cô và trò đều đã rất quen thuộc. Ở điểm trường Bản Biến hiện có 5 lớp học tiểu học với tổng số 68 học sinh và 2 lớp mẫu giáo. Hầu hết các cô giáo dạy ở điểm trường đều nhà ở ngoài trung tâm xã, các trường khoảng 10 đến 15 cây số. Vì không có chỗ nghỉ cho giáo viên nên hàng ngày các cô đều sáng sớm đến trường và chiều tối trở về nhà. Dù khó khăn là vậy nhưng các cô vẫn ngày ngày đến lớp không kể nắng mưa, có nhiều cô giáo đã gắn bó với điểm trường gần 10 năm liên tục.
Năm học 2019 -2020 là năm đầu tiên cô giáo Ma Thị Nhình được phân công vào dạy học tại điểm trường Bản Biến. Nhà cô Nhình ở xã Minh Quang, ngày nào cũng vậy, cô đều dậy từ rất sớm, chuẩn bị giáo án vượt quãng đường gần 14km để đem cái chữ đến cho các em không kể nắng mưa. Cô Nhình được phân công phụ trách dạy lớp 3, cô cho biết, dạy học ở điểm trường mà phần lớn các em học sinh đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số nên ngoài việc dạy kiến thức, các cô giáo còn phải dạy cho các em kỹ năng giao tiếp bằng tiếng việt và tổ chức nhiều hoạt động dạy kỹ năng số cho các em.
Những năm qua cùng với việc đầu tư làm mới con đường vào thôn, nhà lớp học của điểm trường cũng đã được đầu tư xây dựng khang trang tạo điều kiện thuận lợi cho việc dạy và học của cô và trò. Không chỉ được dạy chữ, các em nhỏ ở điểm trường cũng đã được cô giáo tổ chức nhiều hoạt động vui chơi ngoài giờ tạo cho các em có những giờ chơi bổ ích, lý thú sau những giờ học, các em thêm yêu trường, yêu lớp qua đó thu hút các em đi học thường xuyên hơn. Tuy việc dạy và học của những giáo viên “cắm bản” tại điểm trường Tiểu học Bản Biến nói riêng và trên địa bàn huyện nói chung còn có những khó khăn nhất định. Song, vì yêu nghề, mến trẻ, các thầy, cô giáo đã tự nguyện ở lại với bản, với các em để chăm lo cái chữ. Chính những ánh mắt và nụ cười hồn nhiên, tình yêu của các em học sinh dành cho thầy, cô và tinh thần vượt khó đến trường là nguồn động viên rất lớn, để các thầy, cô giáo tiếp tục gắn bó và tận tụy với công việc “gieo chữ” trên non cao góp phần từng bước nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn huyện ngày càng nâng cao./.
Gửi phản hồi