Gắn bó với học sinh vùng khó khăn
Không ít thầy, cô giáo đang công tác tại những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh đã dành cả tuổi thanh xuân để gắn bó với học sinh, đem cái chữ “thắp sáng” những bản làng, vùng quê hẻo lánh.
Học sinh trường THCS số 1 Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) tặng hoa các thầy, cô giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm 2018. Ảnh: Quang Hòa |
Đến nay, đã hơn 20 năm thầy giáo Dương Văn Thịnh về công tác tại trường Tiểu học Yên Lâm I (Hàm Yên). Thầy đã đi khắp các thôn, bản trong xã để tuyên truyền, vận động học sinh đi học, có những lần vượt qua vách núi cheo leo, suýt trượt chân xuống vực sâu nhưng chưa bao giờ thầy nản chí. Thầy còn dành dụm tiền lương để mua máy phát điện chiếu sáng cho điểm trường thôn Quảng Tân, tặng sách vở để học sinh có điều kiện học tập tốt hơn. Thầy Thịnh bảo, bản thân thầy là người dân tộc Mông sinh ra và lớn lên ở Yên Lâm nên thầy thấu hiểu sự vất vả của những người dân trên mảnh đất này, chính vì vậy học xong thầy đã xin về quê làm việc nguyện đem kiến thức đã được học truyền đạt tới thế hệ con em của mình. Thầy luôn mong các em học sinh trưởng thành để mai này xây dựng quê hương phát triển hơn.
Cô giáo Chu Thị Hải, dân tộc Tày, giáo viên trường Mầm non Phúc Yên (Lâm Bình) dạy học ở điểm trường mầm non thôn Bản Bon, nơi cách xa nhà cô đến hơn 70 km nên để nuôi dạy trẻ tốt cô Hải phải ở bán trú tại trường. Nhiều phụ huynh học sinh khi đến đón con đã nói vui “cô giáo là người đến sớm nhất và cũng về muộn nhất trường”. Nói thông thạo tiếng Tày và tiếng phổ thông cộng với kinh nghiệm chăm sóc trẻ dày dặn nên cô Hải luôn được các trẻ yêu mến, phụ huynh tin tưởng khi giao con em cho cô trông nom, nhiều trẻ chưa biết nói sau khi đến lớp học đều nói thành thạo. Cô Hải chia sẻ, khi đã lựa chọn nghề dạy học thì giáo viên phải coi học sinh như con để dạy dỗ các con tốt nhất. Được chứng kiến các con khỏe mạnh, trưởng thành chính là thành quả đáng quý nhất mà các thầy, cô nhận được.
Các thế hệ giáo viên và học sinh trường THPT Na Hang trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập trường và 36 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. |
Có rất nhiều những tấm gương giáo viên vượt qua khó khăn để bám lớp, bám trường, có cô giáo dù đang mắc bệnh hiểm nghèo song vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy học được các cấp các ngành ghi nhận. Tiêu biểu như cô giáo Đỗ Thu Nga, trường THPT Tháng 10 (Yên Sơn) dù mắc bệnh hiểm nghèo nhưng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, là điển hình trong phong trào thi đua yêu nước toàn ngành Giáo dục; thầy giáo Hà Văn Nhắc, trường THCS Tri Phú (Chiêm Hóa) chăm sóc vợ bị liệt nhưng vẫn là giáo viên dạy giỏi có nhiều sáng kiến trong nâng cao chất lượng dạy học; cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang, trường Tiểu học Yên Thuận (Hàm Yên) dù hoàn cảnh khó khăn song đã phát động phong trào ủng hộ quần áo, sách vở và gạo trong toàn trường giúp hàng chục học sinh nghèo vơi bớt khó khăn để yên tâm học tập... Những nỗ lực của các thầy, cô giáo thật đáng trân trọng, các thầy cô xứng đáng là những tấm gương sáng để mọi người noi theo. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Xây dựng đội ngũ giáo viên “vừa hồng vừa chuyên”
Công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên luôn được ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh quan tâm thực hiện. Từ đó, xây dựng đội ngũ cán bộ giáo viên tận tâm với nghề, có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng. Hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hàng chục lớp bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ, giáo viên; thường xuyên cập nhật các kiến thức, phương pháp giảng dạy mới, hiệu quả từ Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bên cạnh đó, công tác giáo dục tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị nghề nghiệp cũng thường xuyên được quan tâm, nhằm xây dựng đội ngũ nhà giáo “vừa hồng vừa chuyên”.
Nhà giáo Ưu tú Lê Thúy Hiền, trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi của nhà trường. |
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện nay toàn tỉnh có 13.000 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên. Tỷ lệ cán bộ, giáo viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo chiếm 99,9%, đạt trên chuẩn là gần 60%. Nhiều thầy, cô giáo đã có sự nỗ lực, tâm huyết trong công tác dạy học, có nhiều sáng kiến giúp việc dạy học đạt hiệu quả cao được nhân dân và học sinh yêu mến. Nhiều thầy, cô giáo khi tham gia các cuộc thi chuyên môn do Sở, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức đã đoạt giải cao, nhiều giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia và được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Đến nay, toàn tỉnh đã có 50 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.
Nhờ có nhiều đổi mới, chất lượng dạy học tại các trường học ngày càng nâng lên, đáp ứng được yêu cầu dạy học cho con em các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn, năm học 2018-2019, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh tích cực thực hiện đổi mới theo tinh thần Nghị quyết số 29 của BCH Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong đó trọng tâm là đổi mới trong công tác quản lý trường học, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tâm huyết, có trách nhiệm, tích cực sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với tình hình thực tiễn. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng “học thực thi thực”; đề cao các phương pháp giảng dạy gắn với thực tiễn cuộc sống. Qua đó từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh.
Gửi phản hồi