Ông Hoàng Văn Hiên, thôn Bình Tiến xã Bình Nhân kiểm tra lồng cá chiên của gia đình.
Gia đình ông Hoàng Văn Hiên, thôn Bình Tiến là một hộ nghèo của thôn, tuy có 2 lao động chính nhưng gia đình không có ruộng, diện tích đất vườn đồi lại ít nên 2 vợ chồng ông đã bươn chải nhiều nghề để kiếm sống và nuôi các con ăn học. Trong 2 năm trở lại đây, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là tận dụng diện tích mặt nước phát triển nuôi trồng thủy sản, gia đình ông Hiên đã quyết định đóng 02 lồng nuôi thử nghiệm. Vừa nuôi, ông vừa tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật do xã, thôn tổ chức, vừa học hỏi qua sách báo kỹ thuật nuôi cá lồng nên năm đầu tiên, ông đã thu hoạch trên 3 tạ cá trắm, thu về gần 20 triệu đồng. Năm 2014, ông phát triển thêm 01 lồng cá chiên, loại cá đặc sản đang được thương nhân và các nhà hàng hải sản ưa chuộng với số lượng trên 50 con, hiện nay đang phát triển rất tốt. Dự kiến vào cuối năm nay, với số lượng cá trắm, cá chiên xuất bán, gia đình ông Hiên sẽ có thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng.
Cấp ủy, chính quyền xã Bình Nhân xác định: bên cạnh sự hỗ trợ đầu từ của Nhà nước thì với vai trò chủ thể, người dân phải dựa vào nội lực, dựa vào tiềm năng sẵn có của địa phương để phát triển kinh tế thì mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bởi vậy, tận dụng lợi thế với dòng sông Gâm chảy qua hơn 5km, xã đã ra chủ trương và tuyên truyền vận động bà con nhân dân phát triển nghề nuôi cá lồng. Chi phí làm một lồng cá chỉ hơn 1,5 triệu đồng làm từ nguồn tre, luồng sẵn có; các gia đình lại tận dụng được lá sắn, cỏ và các phụ phẩm nông nghiệp để nuôi cá nên nguồn đầu tư đầu vào không lớn, lại ít dịch bệnh, dễ chăm sóc nên hiện tại toàn xã đã phát triển lên 26 lồng. Dự kiến sẽ phát triển lên trên 40 lồng vào năm 2015. Đặc biệt hiện nay, xã Bình Nhân đã xây dựng xong kế hoạch phát triển nuôi cá lồng trên sông Gâm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đây thực sự đã mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế mang tính chất hàng hóa, giúp người nông dân có thu nhập ổn định, từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Ông Mai Đình Thư, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Nhân cho biết: hiện nay xã Bình Nhân đang có dự án nuôi cá lồng trên sông Gâm. Hỗ trợ bà con về kỹ thuật và các điều kiện cần thiết để mở rộng số hộ chăn nuôi cá lồng. Mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con, góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Khi công trình thủy điện Yên Sơn hoàn thành là điều kiện thuận lợi cho nghề nuôi cá lồng
phát triển mạnh tại xã Bình Nhân.
Theo kế hoạch trong thời gian tới, khi thủy điện Yên Sơn đi vào hoạt động, một số thôn vùng thấp của Bình Nhân sẽ là nơi tích nước, phục vụ do công trình lưới điện quốc gia. Đây cũng sẽ là cơ hội để Bình Nhân tiếp tục phát triển nghề nuôi cá lồng trên vùng đập với diện tích mặt nước lớn, đồng thời cũng mở ra tiềm năng du lịch, khai thác tiềm năng sinh thái trên mặt hồ, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương./.
Gửi phản hồi