Kinh tế rừng trở thành mũi nhọn
Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch HĐND xã Bình Phú Hoàng Thanh Vụ cho biết, toàn xã có 578 hộ, 2.489 nhân khẩu, trên 80% là đồng bào dân tộc thiểu số. Đất nông nghiệp ít, mỗi khẩu trong xã được 300m2, số còn lại chủ yếu là đất lâm nghiệp với gần 3.000 ha. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ VI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định trồng rừng sản xuất là thế mạnh nên xã tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế rừng. Qua rà soát phân 3 loại rừng, tỷ lệ rừng sản xuất của xã được điều chỉnh tăng lên 1.391 ha. Như vậy tính trung bình mỗi hộ dân Bình Phú có trên 2 ha rừng sản xuất. Đây là tiềm năng rất lớn để xã phát triển kinh tế, xóa nghèo, vươn lên làm giàu.
Với tiềm năng sẵn có cùng với các chính sách giao đất, giao rừng của tỉnh, huyện như “luồng gió mới” thổi vào cuộc sống người dân. Được làm chủ trên mảnh đất được giao, những cánh rừng xanh dần che lấp đồi núi trọc. Nhiều hộ được vay vốn ưu đãi để mua phân bón, cây giống trồng rừng. Đến nay, Ngân hàng Chính sách huyện đã giải ngân đối với gần 400 lượt hộ vay trồng rừng với dư nợ 7 tỷ đồng. Giờ đi đâu trên đất Phú Bình cũng thấy một màu xanh mướt của cây keo, mỡ, xoan, lát, tre. Năm 2018, toàn xã khai thác khoảng 40 ha rừng và tiếp tục trồng mới luân canh trên diện tích đã khai thác. Tổng sản lượng nguyên liệu khai thác trong năm đạt 2.800 m3 gỗ và 406 m3 tre. Theo tính toán của xã, 1 ha keo trồng từ 6 - 7 năm tuổi khi thu hoạch được khoảng 60 - 70 triệu đồng.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Bình Phú Hoàng Thanh Vụ (thứ 2 từ trái qua phải) kiểm tra vườn hồng của gia đình ông Triệu Văn Pảu, thôn Bản Lếch. |
Nhiều gia đình ở Bình Phú giàu lên nhờ trồng rừng. Hộ ông Đỗ Văn Quyết, thôn Phú Linh hiện trồng 6 ha keo. Vừa qua, ông Linh khai thác bán giá 1,1 triệu đồng/m3 gỗ keo đường kính 50 - 60 cm, thu về hơn 400 triệu đồng. Có tiền sau khai thác rừng, ông Linh xây nhà cửa khang trang, nuôi con ăn học, ông còn có vốn để tái sản xuất trồng lứa keo thứ hai.
Xây dựng sản phẩm chủ lực
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh chỉ đạo mỗi xã phải xây dựng một sản phẩm chủ lực, mang tính hiệu quả kinh tế cao. Qua phân tích, xã Bình Phú chọn cây hồng không hạt để xây dựng sản phẩm chủ lực, được người dân hưởng ứng cao. Ông Triệu Văn Bẩu, thôn Bản Lếch cho rằng, xã chọn cây hồng không hạt, đặc sản của địa phương là rất phù hợp. Bởi cây hồng ngâm có ở đất Bình Phú từ lâu đời, hầu như nhà nào cũng có một vài cây, trong khi đất vườn tạp, soi bãi, dưới chân lô còn nhiều. Mấy năm trước huyện Chiêm Hóa đã lấy đặc sản hồng không hạt Bình Phú đi giới thiệu, bán ở Lễ hội Thành Tuyên được khách hàng đánh giá cao. Nhà bà Triệu Thị Chung, thôn Khau Hán có 2 cây to, vụ vừa rồi thu được hơn 6 triệu đồng. Vào mùa, lái buôn vào tận vườn thu mua với giá trên 20 nghìn đồng/kg.
Nhiều cụ cao niên trong xã khẳng định, chất đất, khí hậu ở Bình Phú hợp với cây hồng không hạt. Được sự hỗ trợ cây giống từ nguồn vốn 135, đến nay Bình Phú trồng được 30 ha cây hồng không hạt ở tất cả các thôn. Diện tích cây hồng không ngừng được mở rộng. Cán bộ khuyến nông lựa chọn những cây hồng bố mẹ khỏe mạnh, thuần chủng để ghép với gốc hồng khác. Anh Chu Văn Vịnh, thôn Khau Hán trồng trên 100 cây hồng ghép, cây sinh trưởng, phát triển tốt. Khoảng 3-4 năm cây đã ra quả, ưu điểm là cây ít phải chăm sóc, kháng sâu bệnh tốt nên người dân không phải mất nhiều công chăm sóc. Nếu mỗi nhà có từ 20 - 100 gốc, khi trưởng thành mỗi năm thu vài triệu mỗi gốc, hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết, Bình Phú đều đạt và vượt mức chỉ tiêu. Riêng năm 2018, xã giảm được 50 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn 47,2%. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 20 triệu đồng/người/năm. Kinh tế đi lên, tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tuy vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng Bình Phú đã thực sự đi đúng hướng để phát triển.
Gửi phản hồi