Những ngày này, hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thúy, thôn Vĩnh An, xã Yên Nguyên luôn chuẩn bị đầy đủ nguồn thức ăn xanh, nguồn rơm tích trữ, đầu tư thêm nguồn thức ăn tinh như sắn, phụ phẩm nông nghiệp bảo đảm cung cấp đủ chất cho đàn trâu của gia đình. Để bảo vệ tốt nhất cho đàn gia súc, không để dịch bệnh sảy ra thì gia đình bà thúy luôn làm tốt công tác tiêm phòng đầy đủ giúp đàn trâu có sức khỏe tốt, kháng bệnh theo các mùa, hệ thống chuồng trại của gia đình được quét dọn, vệ sinh sạch sẽ, thời điểm thời tiết mưa kèm theo không khí lạnh, mỗi khi đêm về gia đình bà lại sử dụng cây khô, gỗ mục để đốt sưởi ấm cho đàn trâu.
Người dân dự trữ thức ăn cho đàn trâu đề phòng thời tiết khắc nghiệt kéo dài.
Hiện nay, tình hình thời tiết có mưa và rét đậm vào buổi tối và sáng sớm, đây cũng là điều kiện để các loại dịch bệnh có thể phát sinh. Ý thức được những nguy hại do thời tiết gây ra cũng như xác định được vai quan trọng của đàn gia súc không chỉ trong sản xuất nông nghiệp mà còn đem lại giá trị về kinh tế cao cho hộ chăn nuôi nên các xã trên địa bàn huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền đến hộ chăn nuôi, triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn gia súc, tiếp tục làm tốt công tác chăm sóc, duy trì và phát triển đàn.
Những năm trở lại đây, đàn gia súc trên địa bàn huyện Chiêm Hóa đã tăng cả về số lượng với tổng đàn hơn 31 nghìn con, huyện đã phát triển mạnh mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo tại các địa phương. Để bảo đảm cho đàn trâu, bò được duy trì và phát triển tốt, hàng năm Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chiêm Hóa đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng nhiều phương án để phòng, chống dịch bệnh, đói rét cho đàn gia súc. UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, các hộ chăn nuôi chủ động sửa chữa, làm mới chuồng trại bảo đảm luôn khô dáo, sạch sẽ; cung cấp đủ nguồn thức ăn, tận thu triệt để các loại phụ phẩm nông nghiệp sau các vụ thu hoạch để chế biến, ủ chua hoặc phơi khô để làm thức ăn dự trữ. Đối với công tác thú y, thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắcxin phòng các bệnh như Tụ huyết trùng, lở mồm long móng, thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuống trại, tăng cường giám sát phát hiện dịch bệnh sớm để xử lý kịp thời tránh để dịch bệnh lây lan. Khi nhiệt độ xuống thấp, tuyên truyền cho bà con nuôi nhốt trâu bò hoàn toàn trong chuồng, duy trì đầy đủ các khẩu phần ăn, nước uống, thực hiện các biện pháp chống rét, tường bao kín, đốt lửa trong chuồng cho trâu bò sưởi.
Với sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, nhận thức của người dân đã được nâng cao. Công tác phòng chống đói rét, phòng chống dịch bệnh trên địa bàn huyện Chiêm Hóa những năm qua luôn được thực hiện tốt, đàn gia súc được chăm sóc, duy trì và phát triển, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân./.
Gửi phản hồi