Theo Cục Thú y, từ đầu năm 2021 đến nay cả nước đã xảy ra 40 ổ dịch cúm gia cầm tại 14 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy trên 100.000 con gia cầm. Nguy cơ dịch cúm gia cầm có thể lây lan và xảy ra trên diện rộng là rất cao. Để tập trung triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp phòng, chống ngăn chặn kịp thời và hiệu quả bệnh cúm gia cầm và các chủng vi rút cúm nguy hiểm lây từ gia cầm sang người, góp phần phần phát triển chăn nuôi, đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng.
Anh Kiều Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Lộc cho biết: hiện nay, trên địa bàn thị trấn Vĩnh Lộc có trên 2.400 hộ; trên 8.900 nhân khẩu, để đáp ứng cân đối giữa cầu và cung, đặc biệt là thực phẩm gia cầm, hàng trăm hộ gia đình ở 12 khu dân cư đã tập trung đầu tư vào chăn nuôi gia cầm. Số liệu thống kê của UBND thị trấn cho thấy số lượng gia cầm tăng mạnh với tổng đàn hiện có 11.300 con. Bên cạnh việc cung cấp gia cầm sống trong chợ Trung tâm huyện và tại khu chợ nông sản liền kề, trên địa bàn thị trấn còn có gần 20 điểm chuyên giết mổ gia cầm với quy mô hộ gia đình. Ngay sau khi tiếp nhận Văn bản của UBND huyện, UBND thị trấn Vĩnh Lộc đã trung chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về thú y, an toàn thực phẩm; chỉ đạo các tổ chức đoàn thể và đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến các tổ chức, các hộ chăn nuôi, buôn bán, giết mổ động vật, chế biến, kinh doanh sản phẩm động vật, không được giết mổ động vật chết, bị bệnh để chế biến thực phẩm; chỉ vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm động vật có nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan Thú y kiểm soát; đối với người tiêu dùng chỉ mua thịt gia súc, gia cầm có nguồn gốc xuất xứ; thực hiện mua bán thực phẩm đúng nơi quy định, không mua bán tại các chợ, tụ điểm kinh doanh tự phát lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông, không bảo đảm an toàn thực phẩm.
Điểm bán hàng Bà Hà Thị Hoa, tổ Vĩnh Thiện, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được khách hàng tin tưởng, lựa chọn
Điểm giết mổ gia cầm của bà Hà Thị Hoa, tổ Vĩnh Thiện là một trong những điểm giết mổ gia cầm ở thị trấn có lượng khách đến mua khá đông bởi sự uy tín về chất lượng thịt gia cầm cũng như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mỗi ngày giết mổ trung bình từ 25 đến 50 con gia cầm (chủ yếu là gà ta) cho khách. Theo bà Hoa, toàn bộ gà, vịt được gia đình thu mua tại một số địa phương trong huyện như: Kiên Đài, Bình Phú, Yên Lập và Phú Bình để cung cấp cho thị trường. Trước thông tin trên báo, đài cũng như địa phương tuyên truyền về tình hình dịch cúm gia cầm đã xuất hiện ở một số tỉnh, thành phố từ đầu năm đến nay, gia đình bà Hoa đã nghiêm túc thực hiện theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, không giết mổ gia cầm không rõ nguồn gốc; thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực giết mổ; vệ sinh và khử trùng phương tiện vận chuyển và dụng cụ giết mổ…
Hết năm 2020, tổng đàn gia cầm trên địa bàn toàn huyện đạt hơn 1,6 triệu con. Nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho cộng đồng, tránh gây thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi, hiện nay, các xã, thị trấn đã và đang tăng cường các kiểm soát phòng, chống dịch cúm gia cầm, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền. Đối với các tiêu thương chuyên buôn bán gia cầm sống tại chợ phải thường xuyên tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng sau mỗi buổi chợ; vệ sinh và khử trùng phương tiện, dụng cụ vận chuyển, chứa đựng gia cầm; lưu giữ thông tin để truy xuất nguồn gốc (nơi bán, nơi tiêu thụ gia cầm); người buôn bán, vận chuyển và người mua gia cầm cần sử dụng khẩu trang, găng tay, ủng khi tiếp xúc gia cầm. Đối với điểm giết mổ gia cầm: cần sử dụng bảo hộ lao động theo khuyến cáo của ngành y tế khi tiếp xúc và giết mổ gia cầm; không giết mổ gia cầm không rõ nguồn gốc; vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực giết mổ, phương tiện vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm. Đối với các hộ chăn nuôi, trang trại gia cầm cần tiêm phòng vắc xin đầy đủ, thực hiện ngiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; kiên quyết xử lý theo quy định đối với những trường hợp vi phạm trong chăn nuôi, buôn bán và giết mổ gia cầm ở địa phương./.
Gửi phản hồi