Nguy cơ bùng phát sâu, bệnh trên cây ăn quả, cây chè
Rất nhiều nhà vườn trên địa bàn huyện Hàm Yên đang dốc sức dập dịch nhện đỏ, nhện trắng, nhện rám vàng, sẹo đang gây hại trên cây cam, cây bưởi. Ông Hà Quang Huy, thôn Đồng Danh, xã Đức Ninh cho biết, chưa năm nào nhện xuất hiện đồng loạt gây hại cho cây cam, cây bưởi nặng như năm nay. Nhện bám từ lá đến quả, rất khó để phòng, trừ.
Cùng thôn Đồng Danh, trang trại bưởi, cam của gia đình ông Nguyễn Việt Phong không chỉ riêng đối tượng nhện mà bệnh sẹo, bệnh loét lá cũng đã xuất hiện gây hại rải rác trên cây trồng. Ông Phong cho biết, gia đình đang áp dụng đồng bộ 2 biện pháp phòng trừ, đối với những cây tỷ lệ nhiễm sâu, bệnh thấp sử dụng biện pháp thủ công như ngắt bỏ những lá nhiễm bệnh, tránh bệnh lan rộng. Đối với những cây bị nhiễm nặng thực hiện phun thuốc đặc trị để diệt trừ.
Anh Hà Quang Huy, thôn Đồng Danh, xã Đức Ninh (Hàm Yên) chăm sóc vườn cam của gia đình.
Nhiều đối tượng sâu, bệnh cũng đang lan rộng, gây hại ở nhiều diện tích chè nguyên liệu. Kết quả điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, đã có ít nhất 68 ha chè thuộc huyện Hàm Yên, Sơn Dương bị đối tượng rầy xanh, bọ trĩ gây hại, tỷ lệ hại phổ biến 4 - 6%, nơi cao 10 - 12% số búp. Ngoài ra còn một số đối tượng như bọ xít muỗi, nhện đỏ cũng đã xuất hiện và gây hại rải rác. Ông Trần Văn Phi, thôn Trung Long, xã Trung Yên (Sơn Dương) cho biết, do ít mưa, sâu, bệnh gây hại xuất hiện nhiều nên sản lượng chè búp tươi thu hái đạt rất thấp. Với 0,4 ha chè cả tháng 7 vừa qua gia đình chỉ thu được khoảng 30 kg, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, các đối tượng sâu, bệnh đang gây hại cục bộ trên cây ăn quả, cây chè và một số cây trồng khác, nguy cơ lây lan diện rộng là rất lớn. Trên địa bàn huyện Hàm Yên, chỉ riêng đối tượng nhện (nhện đỏ, nhện trắng, nhện rám vàng) đã gây hại cục bộ trên 56,5 ha cam, tỷ lệ hại phổ biến 4 - 5%, nơi cao 20 - 25% số lá, cấp 1-2-3; bệnh sẹo lá, sẹo quả cũng gây hại cho 54,5 ha cam, bưởi, trong đó nhiễm nặng 6,5 ha tỷ lệ hại phổ biến 1 - 3%, nơi cao 10 - 15% số lá, quả.
Cảnh giác với tập đoàn rầy trên lúa
Lúa mùa trà chính đang vào giai đoạn cuối đẻ nhánh và đứng cái, tuy nhiên theo các kỹ sư nông nghiệp, tập đoàn rầy nâu, rầy lưng trắng đã và đang phát sinh đe dọa đến đến năng suất, sản lượng của lúa mùa. Ghi nhận trên một số cánh đồng thuộc huyện Yên Sơn, Sơn Dương và thành phố Tuyên Quang rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 5 nở và gây hại rải rác, mật độ nơi cao 200 - 300 con/m2, cục bộ 500-600 con/m2, tuổi 1-2-3. Anh Phạm Hồng Tuyền, thôn Nghiêm Sơn 1, xã Hoàng Khai (Yên Sơn) cho biết, năm nay rầy xuất hiện sớm hơn, mật độ cũng cao hơn so với những vụ trước buộc anh phải sử dụng biện pháp hóa học để diệt trừ.
Ông Trần Quốc Trung, Phó trưởng phòng Kỹ thuật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh dự báo trong thời gian tới rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 5 tiếp tục tích lũy và mật độ có thể tăng lên rất cao, nếu không phòng trừ kịp thời sẽ gây hiện tượng vàng lá và cháy chòm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng của lúa vụ mùa. Theo ông Trung, vụ mùa năm 2018, 2019 một số hộ gia đình đã mất mùa, vì sự chủ quan lơ là, mất cảnh giác trong phòng, trừ rầy. Do đó, ngay từ lúc này bà con cần theo dõi tích cực, thăm đồng thường xuyên, theo dõi diễn biến, khi mật độ rầy đến ngưỡng phải thực hiện phun trừ để đảm bảo an toàn cho cây lúa.
Cùng với rầy nâu, rầy lưng trắng, các đối tượng sâu, bệnh hại nguy hiểm đối với cây lúa như sâu cuốn lá, sâu đục thân 2 chấm, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, bệnh khô vằn... cũng đồng loạt xuất hiện. Trước diễn biến phức tạp của sâu, bệnh hại cây trồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị phòng chuyên môn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, thành phố chỉ đạo cán bộ phụ trách địa bàn chủ động phối hợp với cán bộ chuyên môn của các xã, phường, thị trấn thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, kịp thời phát hiện các đối tượng sâu, bệnh hại trên lúa mùa và các loại cây trồng... Đặc biệt cần lưu ý các đối tượng sâu bệnh hại rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ lứa 5, sâu đục thân, chuột hại, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, bệnh khô vằn... trên lúa trà sớm và chính vụ; ốc bươu vàng, bệnh nghẹt rễ, bệnh lùn sọc đen trên lúa trà muộn; sâu keo mùa thu và bệnh héo vi khuẩn trên ngô; nhóm nhện nhỏ, bệnh sẹo trên cây cam, bưởi; rầy xanh, bọ cánh tơ, nhện đỏ, bệnh thối búp trên cây chè để kịp thời hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng, chống kịp thời, hiệu quả.
Gửi phản hồi