Vào những ngày cuối tháng 9, chúng tôi đã có dịp cùng các đồng chí lãnh đạo xã Linh Phú đến thăm mô hình trồng Cam của hộ gia đình anh Bàn Văn Phương, chị Hoàng Thị Tám, một trong những hộ gia đình có diện tích cam lớn trong xã. Chị Tám cho biết: Năm 2001, anh chị lập gia đình, nguồn thu chính chỉ trông chờ vào cây lúa, cây ngô, đời sống gặp nhiều khó khăn. Chị Tám quê ở xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên nên những lần về quê vợ, thấy nhiều hộ dân ở đây làm giàu từ cây cam nên anh Phương đã bàn với vợ đưa cây cam về đất Linh Phú để trồng. Năm 2013, anh chị quyết định vay 30 triệu từ Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Chiêm Hóa để đầu tư trồng cam. Ban đầu gia đình anh chị chỉ trồng thử 200 gốc. Sau khi áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, cây cam phát triển tốt, sau hơn 2 năm đã cho những trái đầu tiên, chất lượng quả tốt. Vụ thu hoạch đầu tiên với 200 gốc, anh chị có thu nhập gần 60 triệu đồng. Nhận thấy đất ở đây phù hợp để trồng loại cây có múi này, từ đó anh chị tiếp tục đầu tư mở rộng vườn cam lên hơn 1.000 gốc. Năm 2017 này, 700 gốc cam ba năm tuổi cũng đã sai quả, dự tính mang về nguồn thu nhập khá. Chiêm ngưỡng những cành cam sai trĩu đợi ngày thu hoạch, chúng tôi như hòa chung niềm vui của gia đình anh Phương, chị Tám về một vụ cam bội thu.
Lãnh đạo xã Linh Phú thăm vườn cam của gia đình chị Hoàng Thị Tám, thôn Lung Luề.
Nhận thấy mô hình trồng cam của gia đình anh Phương, chị Tám phát huy hiệu quả kinh tế, nhiều hộ gia đình trong thôn, trong xã cũng học tập và làm theo. Hiện nay, diện tích cam trên địa bàn xã Linh Phú là trên 30 ha, được trồng tập trung ở các thôn Lung Luề, Khuổi Lầy, Pác Hóp. Diện tích đã cho thu hoạch gần 10 ha. Việc trồng cam bắt đầu từ năm 2011 nhưng chỉ trồng nhỏ lẻ, chủ yếu là để phục vụ nhu cầu của gia đình. Từ năm 2014 đến nay, diện tích trồng cam trên địa bàn xã ngày càng mở rộng theo hướng sản xuất hàng hóa, mở ra hướng phát triển kinh tế mới có hiệu quả thiết thực cho bà con nông dân nơi đây./.
Gửi phản hồi