Sáu là người Tày, bố mẹ đều làm nông nghiệp. Gia đình đông anh em (6 người) nên từ khi còn học THPT Sáu đã phải đi làm thêm kiếm tiền lo chuyện ăn học, ước mơ trở thành kỹ sư đành gác lại. Năm 2006, sau khi tốt nghiệp THPT, Sáu được một người quen giới thiệu vào quận 1, thành phố Hồ Chí Minh giúp việc cho một xưởng cơ khí của ông chủ người Quảng Bình, mỗi tháng anh nhận được 800 nghìn đồng tiền lương. Sáu chăm chỉ học kỹ thuật hàn xì, nắm vững các chủng loại sắt và các thông số kỹ thuật, vậy nên chỉ trong thời gian ngắn, anh đã có thể làm được tủ kính, cửa hoa, cửa xếp…
Anh Hà Phúc Sáu tại xưởng sản xuất cơ khí của gia đình.
Trong 3 năm làm việc tại đây, Sáu lúc nào cũng nung nấu ý định về quê mở xưởng cơ khí. Năm 2009, anh quyết định về quê lập nghiệp nhưng với số vốn 10 triệu đồng trong tay sau bao năm tích cóp không đủ điều kiện để Sáu mở xưởng. Sáu lại về Hà Nội làm nghề này, tích lũy thêm vốn và kinh nghiệm, đến năm 2011 anh mới thực hiện được ước mơ của mình. Sáu vay thêm 30 triệu đồng của ngân hàng mua mảnh đất ở trung tâm xã Xuân Quang mở xưởng cơ khí. Tự tin với tay nghề sau nhiều năm học tập, tích lũy kinh nghiệm ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, Sáu nhanh chóng tạo lập được uy tín với khách hàng với các sản phẩm cửa xếp, cửa cuốn, chạn bát, tủ kính…
Theo Sáu, để tạo được niềm tin với khách hàng, chất lượng sản phẩm và thái độ phục vụ là yếu tố quan trọng nhất. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu của khách, người thợ phải có con mắt thẩm mỹ để tư vấn cho khách cách bố trí, bài tiết nội thất sao cho phù hợp với không gian ngôi nhà. Nhờ đó, khách hàng của anh mỗi ngày một đông, uy tín lan sang cả vùng lân cận. Đầu năm 2017, anh mở thêm xưởng cơ khí tại tổ Phúc Hương 1, thị trấn Vĩnh Lộc, tạo thêm việc làm ổn định cho người lao động. Sáu cho biết, người lao động bây giờ rất kén việc, nếu trả lương không phù hợp với tính chất công việc, họ sẽ bỏ mình, tìm việc khác có thu nhập cao hơn. Vậy nên, giữ vững chữ tín để mở rộng thị trường là mục tiêu của Sáu, bảo đảm nguồn thu và trả lương thỏa đáng cho người lao động.
Từ hai bàn tay trắng, với sự quyết tâm và trách nhiệm với nghề, giờ đây Sáu là chủ của 2 cơ sở sản xuất, mỗi năm doanh thu 600 triệu đồng. Sáu cho biết, hiện giờ khách đặt hàng rất nhiều, người lao động làm không hết việc. Trong thời gian tới, anh phải đào tạo thêm lao động có tay nghề đáp ứng nhu cầu thị trường. Cách làm của Sáu là bài học quý đối với các bạn trẻ khởi nghiệp.
Gửi phản hồi