Nông dân xã Phúc Sơn, huyện Chiêm Hóa chăm sóc lạc xuân.
Bà con nông dân ở các địa phương có diện tích lạc lớn như Minh Quang, Phúc Sơn, Tân Mỹ, Xuân Quang, Hùng Mỹ… đang tập trung ra đồng làm cỏ, xới đất kết hợp với bón phân chuồng hoai mục, lân, đạm hay phun thuốc kích thích qua lá để lạc phát triển, ra hoa và đậu củ tốt.
Ông Ma Phúc Khứu, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, huyện chỉ đạo các xã chủ động phối hợp với Trạm khuyến nông, Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật theo dõi sát diễn biến phát sinh gây hại của một số sâu bệnh thường gặp ở cây lạc, đề phòng khi có dịch bệnh xảy ra sẽ chủ động thực hiện các biện pháp phòng trừ, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do sâu bệnh gây ra.
Xã Minh Quang gieo trồng 470 ha lạc vụ xuân, đạt 100% kế hoạch. Trong đó trồng 300 ha diện tích đất ruộng, còn lại là đất màu đồi và soi bãi. Vụ mùa trước, diện tích lạc của xã Minh Quang có năng suất 33 tạ/ha, cho thu trên 4 tỷ đồng. Từ khi chuyển đổi trồng lạc đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể, góp phần thay đổi đời sống cho bà con nơi đây.
Bà Phan Thị Dung, thôn Nà Mè, xã Minh Quang cho biết, vụ xuân năm nay, ngoài trồng lúa, ngô, gia đình bà còn trồng trên 1.700 m2 lạc. Những ngày này, bà Dung tranh thủ ra đồng làm cỏ, xới gốc và bón các loại phân đạm, Kali nhằm đảm bảo tốt các điều kiện để cây lạc phát triển, ra hoa và đậu củ theo đúng khung thời vụ. Tuy nhiên, thời tiết thường xuyên có mưa phùn, không khí ẩm là điều kiện thuận lợi để phát sinh các loại sâu bệnh hại cây trồng, đặc biệt là bệnh thối mốc gốc đen và trắng thường xuất hiện ở cây lạc. Do vậy, bên cạnh những kinh nghiệm kỹ thuật chăm sóc lạc, bà Dung còn được các cán bộ khuyến nông của xã truyền đạt kiến thức về phòng trừ sâu bệnh, cách chăm sóc lạc xuân đúng quy trình kỹ thuật.
Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn Chẩu Văn Học cho biết, vụ xuân năm nay toàn xã gieo trồng 474 ha lạc xuân, để đảm bảo cho sản lượng cao, xã đang tiến hành các phương án chỉ đạo, đôn đốc bà con tập trung vệ sinh đồng ruộng làm sạch cỏ dại, xới gốc và dặm tỉa bổ sung số lượng cây lạc bị chết. Đồng thời, bón đạm Urê, Lân Lâm Thao, Kali cho cây trồng theo sự hướng dẫn của các cán bộ khuyến nông. Bên cạnh đó, xã cũng chú trọng điều tiết nước ở từng cánh đồng, khuyến cáo bà con tăng cường kiểm tra đồng ruộng phát hiện sâu bệnh để có hướng xử lý kịp thời. Xã đã chỉ đạo tới từng thôn bản tuyên truyền bà con nhân dân làm cỏ, bón phân và phun các loại thuốc kích thích qua lá cho cây lạc phát triển.
Bên cạnh thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp cho cây lạc sinh trưởng thì để phát triển vùng lạc hàng hóa tại địa phương, xã Phúc Sơn đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đưa những giống lạc mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; thực hiện thâm canh theo đúng quy trình kỹ thuật, từng bước nâng cao năng suất cây lạc lên 33 tạ/ha.
Hiện nay, xã đã thành lập 2 tổ phát triển sản xuất tại thôn Phiêng Tạ và thôn Búng Pẩu với gần 40 hộ tham gia. Tham gia tổ sản xuất, các hộ thành viên thực hiện theo một quy trình chung từ mua vật tư, phân bón đầu vào, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây lạc đến khi thu hoạch, bảo quản sản phẩm và xuất bán ra thị trường… tạo thành một chuỗi liên kết khoa học, tập trung, đã góp phần nâng cao giá trị cây lạc hàng hóa, tăng thu nhập cho bà con nông dân trên địa bàn xã.
Theo anh Ma Văn Bộ, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất lạc thôn Phiêng Tạ, xã Phúc Sơn, hiện nay đã có 30 hộ trong thôn đã liên kết thành lập tổ hợp tác với diện tích trồng lạc trên 12 ha. Các hộ tham gia Tổ hợp tác đến kỳ thu hoạch lạc đến đâu thương lái đến mua tận đó, đã tạo sự yên tâm sản xuất cho các tổ viên trong tổ.
Với sự chủ động trong sản xuất của chính quyền các cấp và bà con nông dân, vụ xuân năm nay huyện Chiêm Hóa sẽ có một vụ mùa lạc bội thu, giúp bà con tăng thêm thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Gửi phản hồi