Công tác liên kết phát triển du lịch - một trong những biện pháp khai thác tiềm năng thế mạnh về du lịch của huyện
Là huyện có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế. Chiêm Hóa có các nguồn tài nguyên khoáng sản như Mangan tại Phúc Sơn, Minh Quang; quặng Ăngtimoan tại các xã Ngọc hội, Phú Bình, Yên Lập, Xuân Quang, Hòa Phú; có các núi đá vôi trữ lượng lớn, chất lượng tốt tại các xã Ngọc Hội, Tân Thịnh, Minh Quang, Phúc Sơn, Yên Lập; sông Gâm chảy qua địa bàn huyện với chiều dài 40km và 3 suối lớn với trữ lượng cát sỏi lớn, có chất lượng tốt; có nguồn đất mặt diện tích rộng, trữ lượng lớn, chất lượng tốt phục vụ sản xuất gạch nung và không nung ở các xã Trung Hòa, Vinh Quang. Huyện có hệ thống sông suối dày đặc, lưu tốc dòng chảy lớn, cấu tạo địa chất tốt rất thuận lợi cho xây dựng các nhà máy thủy điện nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, Chiêm Hóa còn là huyện có diện tích đất nông nghiệp khá lớn, đất đai màu mỡ, thuận lợi cho phát triển nhiều loại cây trồng. sản lượng lương thực năm 2015 đạt trên 74.584 tấn, đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ và một phần làm hàng hóa. Cùng với đó, huyện đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung, bao gồm cây lạc tại xã Minh Quang, Phúc Sơn, Tân Mỹ, Trung Hà,… sản lượng khoảng 8.600 tấn/năm; cây mía gần 4.000 ha, sản lượng khoảng 306.500 tấn/năm, có giá trị kinh tế cao, là vùng nguyên liệu quan trọng cho ngành sản xuất mía đường của tỉnh; một số cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như cây cam gần 500 ha, cây chuối tây khoảng 800 ha. Chiêm Hóa cũng là huyện có diện tích rừng và đất rừng lớn, là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế lâm nghiệp, cung cấp nguyên liệu đa dạng cho sản xuất giấy, hàng đồ mộc gia dụng, cung cấp nguyên liệu cho phát triển tiểu thủ công nghiệp, hàng thủ công mỹ nghệ.
Các đồng chí lãnh đạo huyện kiểm tra mô hình lạc tại xã Minh Quang
Một trong những tiềm năng thế mạnh của Chiêm Hóa đó là du lịch. Trên địa bàn huyện có trên 140 điểm di tích lịch sử, văn hóa như Đền Bách Thần, thị trấn Vĩnh Lộc; Chùa BẢo Ninh Sùng Phúc, xã Yên Nguyên; Đền Đầm Hồng, xã Ngọc Hội; Lễ hội Lồng Tông mùng 8 tháng Giêng; Lễ hội Bản Cuống, xã Minh Quang; khu di tích lịch sử Kim Bình…và các danh thắng tự nhiện như quần thể hang Bó Ngoặng, hang Trâu bạc và điểm du lịch sinh thái Tầng, Biến xã Phúc Sơn; danh thắng Quốc gia Bản Ba, xã Trung Hà…Bên cạnh đó, nguồn nhân lực của huyện dồi dào, cần cù chất phác. Toàn huyện có trên 88.000 người trong độ tuổi lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 43,8%, trong đó tỷ lệ qua đào tạo nghề đạt 27,4%. Cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội của huyện được quan tầm đầu tư xây dựng, đến nay, 100% xã, 100% thôn đã có đường ô tô đến trung tâm, Cụm công nghiệp An Thịnh với diện tích 78 ha, nằm ở 2 bên trục đường ĐT 190, rất thuận lợi cho giao thông, thông tin liên lạc và xây dựng hạ tầng…
Hang Bó Ngoặng, điểm du lịch hấp dẫn tại xã Phúc Sơn
Trong những năm qua, Chiêm Hóa đã đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất như thực hiện cải cách hành chính, tiếp tục rà soát thủ tục hành chính, giảm thiểu quy định, thủ tục không cần thiết nhằm rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ…tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục đầu tư – xây dựng – đất đai – thuế theo cơ chế một cửa liên thông, rút ngắn tối đa thời gian và chi phí, nâng cao tính minh bạch, giảm chi phí chính thức cho nhà đầu tư; tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tiếp cận nguồn vốn đầu tư của nhà nước, vốn vay ưu đãi; khuyến khích doanh nhân mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển doanh nhân khu vực nông thôn…Đặc biệt huyện khuyến khích các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đầu tư vào 2 lĩnh vực là sản xuất nông, lâm nghiệp thông qua việc phát triển sản xuất hàng hóa gắn với các nhà máy chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp, tạo giá trị gia tăng lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân và đầu tư vào phát triển du lịch gắn với các khu di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh, các danh lam thắng cảnh tự nhiên…góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh của huyện, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Cùng với đó, trong các năm 2016 – 2017, định hướng đến năm 2020 huyện đề ra các giải pháp nhằm tăng cường chấn chỉnh lề lối làm việc, tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức về tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp; phấn đấu giảm 30% thời gian doanh nghiệp và người dân thực hiện các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện; góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội và đạt được mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch trên Chiêm Hóa quan tâm lồng ghép với quá trình xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của huyện, nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, minh bạch để thu hút các nhà đầu tư, khai thác các tiềm năng lợi thế của huyện, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội, đảm bảo tăng trưởng kinh tế của huyện và góp phần vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh./.
Gửi phản hồi