Bằng nhiều giải pháp quy hoạch vùng, xây dựng mô hình sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, huyện Chiêm Hóa đã và đang hình thành những vùng chuyên canh và thâm canh các loại cây trồng theo hướng hàng hóa tập trung, áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích. Cùng với đó, huyện đang tập trung phát triển ngành chăn nuôi, khuyến khích người dân xây dựng các mô hình chăn nuôi có quy mô và số lượng đàn vật nuôi lớn... qua đó, từng bước làm thay đổi tư duy sản xuất cho người dân, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa phát triển.
Gia đình ông Phan Văn Hùng, thôn Tát Tiều, xã Bình Nhân (Chiêm Hóa)
phát triển chăn nuôi lợn hàng hóa.
Một trong những cây trồng sớm trở thành hàng hóa nhất của huyện Chiêm Hóa là cây lạc. Hiện nay, huyện đã hình thành vùng chuyên canh cây lạc theo hướng hàng hóa tại 13 xã vùng thượng huyện với tổng diện tích gần 2.700 ha, năng suất bình quân đạt 32 tạ/ha, sản lượng đạt trên 8.300 tấn. Để duy trì, phát triển vùng chuyên canh cây lạc, huyện Chiêm Hoá đang triển khai nhiều cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân theo phương thức liên kết 4 nhà. Thực hiện quy hoạch vùng sản xuất lạc thương phẩm, lạc giống tập trung chất lượng cao theo yêu cầu của thị trường.
Đồng chí Ma Thị Xiêm, Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn cho biết: Cây lạc đã gắn bó với bà con trong vùng hơn 30 năm nay. Nhưng phải đến những năm gần đây, cây lạc mới thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con. Lý do trước đây cây lạc không đem lại hiệu quả kinh tế cao là bởi bà con chưa chú trọng đến chất lượng sản phẩm, các khâu bảo quản sau thu hoạch không tốt, cộng với việc các tư thương dùng các chiêu bài để ép giá, đẩy giá xuống thấp, nên dù lạc có được mùa thì chuyện mất giá vẫn xảy ra thường xuyên.
Khắc phục những hạn chế đó, để nâng cao thu nhập ổn định cho người trồng lạc, các cơ quan chức năng huyện Chiêm Hóa cùng với các địa phương trong vùng chuyên canh lạc đã triển khai nhiều giải pháp để phát triển cây lạc hàng hóa. Từ năm 2013, ngành khuyến nông của huyện đã phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện việc cải tạo giống, đưa giống lạc L14 chọn lọc vào thực hiện mô hình nên năng suất đã được cải thiện đáng kể. Ngoài ra, từ nguồn vốn dự án TNSP, huyện đã đầu tư xây dựng 2 máy sấy lạc tại xã Phúc Sơn có công suất trên 18 tấn/lần sấy. Hiện nay, sản phẩm lạc của Chiêm Hóa đã được nhiều doanh nghiệp tại địa phương và các tỉnh bạn lựa chọn đăng ký thu mua với bà con.
Chăn nuôi lợn thịt cũng đang được phát triển mạnh theo mô hình tổ hợp tác hoặc các nhóm cùng sở thích. Theo ông Phạm Văn Hùng, Tổ trưởng tổ hợp tác chăn nuôi lợn thôn Tát Điều, xã Bình Nhân, việc nuôi lợn theo mô hình tổ hợp tác này tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên trong tổ từ khâu đầu vào đến đầu ra sản phẩm; cùng lựa chọn nhập lợn giống cùng địa điểm, cùng ngày, cùng biện pháp chăm sóc; việc xuất bán cũng được thực hiện đồng thời cho một đầu mối thu mua. Ngoài việc ổn định đầu vào và đầu ra, các thành viên trong tổ còn nâng số lượng các lứa nuôi trong vòng một năm. Nếu như trước đây, một năm chỉ nuôi được từ 2 - 3 lứa lợn thịt thì nay đã tăng lên 4 - 5 lứa bằng biện pháp nuôi gối nhau.
Ngoài ra, huyện Chiêm Hóa còn có nhiều sản phẩm nông nghiệp đã trở thành hàng hóa khác như chuối tây, cam, mía… Huyện cũng đang triển khai thực hiện các mô hình khác như nuôi cá đặc sản, xây dựng thương hiệu trâu Chiêm Hóa. Sự phát triển toàn diện của nông nghiệp đã góp phần ổn định đời sống xã hội và thúc đẩy nền kinh tế của huyện phát triển một cách toàn diện; tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu của chương trình phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới của huyện.
Gửi phản hồi