Thắng lợi vụ mùa thúc đẩy cây trồng vụ đông
Đến ngày 8-10, các xã trong huyện Chiêm Hóa đã thu hoạch xong 5.466 ha lúa mùa, năng suất bình quân đạt trên 59 tạ/ha. Tại thời điểm 5-10, kết thúc thời vụ gieo trồng cây ưa ẩm vụ đông trên đất ruộng, toàn huyện thực hiện được 2.240 ha ngô, trong đó có 2.226 ha ngô lấy hạt, đạt 213% kế hoạch, diện tích còn lại trồng ngô thức ăn gia súc. Lạc đông thực hiện 54,5 ha, đạt 100% kế hoạch, toàn bộ diện tích trồng lạc được che phủ nilon.
Tại xã Tân An, Chủ tịch UBND xã Đinh Ngọc Yên cho biết, do kế hoạch sản xuất vụ đông được huyện triển khai sớm nên xã đã tổ chức cấy lúa mùa vào cuối trà sớm. Nhờ đó, đến ngày 30-9 toàn xã đã thu hoạch xong 352 ha lúa vụ mùa và tổ chức trồng 160 ha ngô lấy hạt vụ đông, đạt 114% kế hoạch.
Cán bộ Sở Nông nghiệp và phòng nông nghiệp huyện Chiêm Hóa kiểm tra trồng lạc đông tại xã Tân Mỹ.
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, cán bộ khuyến nông phụ trách xã Tân An nhận xét, hoàn thành thắng lợi vụ lúa mùa, thực hiện vượt kế hoạch ngô lấy hạt vụ đông có đóng góp quan trọng của người đứng đầu. Do có sự chỉ đạo sát sao từ chủ tịch xã đến các trưởng thôn, khuyến nông bám sát thời gian thu hoạch của từng xứ đồng và thực hiện các giải pháp làm đất nên toàn bộ diện tích ngô đông của Tân An được gieo trồng trong khung thời vụ tốt nhất.
Về xã Tân Mỹ, mọi người đều vui khi thấy những ruộng lạc mọc đều và phát triển xanh tốt. Chị Quan Thị Chiêm ở thôn Nà Héc đang chăm sóc ruộng lạc của gia đình cho biết, vụ mùa chị sử dụng giống lúa ngắn ngày nên thu hoạch sớm hơn. Cũng vì thế mà 2 sào lạc đông áp dụng phủ nilon gia đình thực hiện xong từ ngày 17-9 nên đã tránh được đợt mưa bão vừa qua. Chị Chiêm bảo, do thời tiết không thuận nên bà con phải gặt chạy mưa, lại phải chờ ruộng rút khô nước mới gieo trồng được. Cùng thôn, gia đình chị Lương Thị Chung đang tra những hạt giống ngô cuối cùng trên đất ruộng cho hay, lúc đầu gia đình định trồng lạc, nhưng thấy mưa kéo dài sợ thối hạt giống, nên chuyển sang trồng ngô. Thời gian gấp gáp, lại ở thời điểm giao mùa thường gặp mưa nên các hộ bảo nhau làm đất tối thiểu lên luống trồng cho kịp thời vụ.
Chị Quan Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ khẳng định, mặc dù ảnh hưởng của thời tiết, cây trồng xuống ruộng có chậm 3 ngày, nhưng đây là vụ đông có phong trào mạnh nhất trong những năm gần đây. Kết thúc vụ gieo trồng cây vụ đông, toàn xã trồng được 125 ha ngô lấy hạt, 10,5 ha lạc đông, hệ số sử dụng đất ruộng của xã đạt 2,8 lần/năm.
Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao hiệu quả
Anh Ma Phúc Khứu, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện nhấn mạnh, cây trồng ưa ẩm vụ đông rất ngặt nghèo về thời vụ. Đó là đặc thù của địa phương thường có rét từ giữa tháng 11 năm trước đến hết tháng 3 năm sau, nên việc sắp xếp thời vụ trồng lạc và ngô lấy hạt rất quan trọng. Với cây lạc khi ra hoa, đâm tia kết củ và cây ngô trỗ cờ phun râu phải trước ngày 20-11 mới mong có hiệu quả của vụ sản xuất. Vì thế cơ cấu thời vụ phải chặt chẽ ngay từ vụ lúa xuân (lúa xuân chính vụ - lúa mùa sớm - lạc + ngô lấy hạt vụ đông). Thực tế trong sản xuất của vụ đông năm nay, nông dân Chiêm Hóa phải gồng mình để chạy theo thời vụ. Do thời tiết, thu hoạch xong lúa mùa nhưng bước vào gieo trồng cây vụ đông lại bão số 6 và những ngày mưa liên tiếp cuối tháng 9 đã làm chậm tiến độ so với dự kiến.
Quan sát trên đồng ruộng vụ đông ở xã Tân Mỹ, chúng tôi thấy 3 điều khác lạ trong ứng dụng sản xuất của bà con nơi đây. Đó là thanh gỗ có bản rộng chừng 25 cm được cắt chia ra 3 vấu để chọc lỗ tra ngô; sử dụng nilon đục lỗ sẵn để tra lạc và chỉ cắt đúng 1 hàng rạ để tra ngô. Trả lời từng vấn đề thắc mắc, anh Trần Ngọc Thanh, Trưởng phòng Trồng trọt, thành viên Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc tại huyện Chiêm Hóa mới đây giảng giải, cũng do gấp rút về thời gian nên “cái khó thường ló cái khôn”. Trước đây, chưa chịu tác động của biến đổi khí hậu chúng tôi hướng dẫn bà con phát rạ, cuốc hố bỏ phân tra hạt ngô. Nhưng nay vào thời vụ gieo trồng cây vụ đông, “ông trời hay dở chứng” bà con đã nghĩ ra cái trạc ba để trồng ngô. Tuy thế, chiếc trạc 3 ấy có 2 vấu ở hai đầu cách nhau 25 cm đúng quy cách cây cách cây, còn vấu ở giữa không tra hạt ngô mà để tra phân. Nhìn theo hàng cứ 1 hố tra ngô lại có hố tra phân khoảng cách đều nhau khi cây ngô phát triển bộ rễ chùm vươn tới chỗ để thức ăn ấy mà phát triển. Việc chỉ cắt 1 hàng rạ đủ trống cho 1 hàng ngô khoảng cách: Hàng cách hàng từ 60 đến 70 cm. Vào kỳ chăm sóc, bà con mới tiếp tục cắt phần rạ còn lại để phủ luống ngô vừa hạn chế cỏ dại, vừa giữ ẩm và khi rạ phân hủy cung cấp dinh dưỡng cho cây ngô. Cả hai cách làm trên không chỉ đáp ứng yêu cầu thời vụ mà còn giảm công lao động và giảm được 2/3 thời gian so với cách làm truyền thống.
Giải thích về tấm nilon che lạc đục lỗ sẵn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ma Phúc Khứu bảo, đây là bài học đắt giá của vụ đông năm 2017. Cũng bởi mua nilon dày, hướng dẫn cách đục lỗ tra hạt, nhưng lại có hộ làm sai đục lỗ quá nhỏ nên lạc ra hoa đâm tia, nhưng không có củ. Chỉ vì đục lỗ nhỏ, nilon dày nên tia lạc không đâm được xuống đất, nằm trơ trên mặt nilon dẫn đến thất thu. Rút kinh nghiệm và để chắc ăn chúng tôi về tận Thanh Hóa đặt mua nilon mỏng chuyên dùng cho che phủ lạc đã đục lỗ sẵn về hỗ trợ bà con. Cách làm này vừa đảm bảo mật độ và phù hợp cách thức cho cây lạc đông sinh trưởng mang lại hiệu quả cho vụ sản xuất.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chiêm Hóa là huyện đứng đầu về sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Tính riêng ngô lấy hạt vụ đông trên đất ruộng đã chiếm 60% diện tích ngô đông của tỉnh, thêm vào đó mở ra 54,5 ha lạc đông (làm giống cho vụ sau) thì thu nhập trên đất ruộng đạt khá cao. Nếu các huyện cũng tích cực như Chiêm Hóa thì đóng góp kinh tế nông nghiệp vào GRDP của tỉnh sẽ không nhỏ.
Gửi phản hồi