Những ki ốt hoang vắng
Từ năm 2003 đến 2009, huyện Chiêm Hóa đã đầu tư xây dựng 7 chợ nông thôn bằng nhiều nguồn vốn khác nhau. Tuy nhiên, đến nay chỉ còn 2 chợ duy trì được hoạt động là chợ xã Yên Nguyên và chợ Hòa Phú; các chợ còn lại sau một thời gian ngắn hoạt động, do không hiệu quả đã ngừng hoạt động hoặc hoạt động không đúng mục đích, dẫn đến nhiều chợ hiện đã có dấu hiệu xuống cấp.
Xã Hà Lang, một trong những địa phương được đầu tư xây dựng chợ từ năm 2003 và đi vào hoạt động vào cuối năm 2004. Chợ được thiết kế nền xi măng, 3 dãy ki ốt gồm 24 gian được lợp mái tôn cùng đầy đủ hàng rào dây thép gai, nhà vệ sinh, mặt bằng kiến tạo… Lúc mới đi vào hoạt động, chợ họp theo phiên, mỗi tuần một lần, thu hút được khá đông các tiểu thương đến bán hàng và đông đảo bà con nhân dân trong xã và các xã lân cận đến mua sắm. Tuy nhiên, chợ cũng chỉ nhộn nhịp được một thời gian ngắn, sau đó vắng dần rồi ngừng hoạt động hẳn. Lý giải về tình trạng này, đồng chí Vương Quốc Cao, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, người dân địa phương vẫn giữ thói quen mua sắm ở các cửa hàng tạp hóa tồn tại lâu nay tại địa phương, nên không vào chợ để trao đổi mua bán, phần nữa là do các tiểu thương đến bán hàng là người địa phương khác đến, nên khi sức mua giảm sút thì họ cũng tự rút lui còn các hộ kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn thì không có nhu cầu vào họp chợ. Để chợ hoạt động trở lại, UBND xã đã thực hiện nhiều giải pháp để khuyến khích, thu hút các hộ dân vào chợ buôn bán. Xã đã phải dựng một căn nhà tạm ngay trước cổng chợ để cho các hộ kinh doanh các mặt hàng thực phẩm (thịt, cá, rau…) vào bán, nhằm tạo thói quen mua bán ở chợ cho người dân. Sau nhiều năm nỗ lực, năm 2011, chợ đã bắt đầu có hộ đăng ký kinh doanh đầu tiên nhưng đến nay cũng chỉ có 7 hộ tham gia kinh doanh. Do số hộ kinh doanh trong chợ ít nên các hộ này đã tự cơi nới ki ốt để vừa làm nơi ở vừa làm nơi bán hàng dẫn đến tình trạng lộn xộn, mất mĩ quan lại thiếu an toàn trong phòng chống cháy nổ.
Chợ xã Minh Quang đã bị bỏ hoang nhiều năm nay.
Chợ xã Minh Quang cũng chính thức được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2004, tuy nhiên chợ chỉ hoạt động được 1 tuần thì không thể hoạt động nữa. Nguyên nhân không hoạt động được là do địa điểm xây chợ không hợp lý, nằm giữa cánh đồng và cách xa đường giao thông, không thuận lợi cho việc đi lại, mua bán của người dân. Đã 10 năm nay chợ bỏ hoang, các dãy ki ốt được một số người dân tận dụng làm chuồng trâu nên đã có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Cũng như vậy, các chợ Kim Bình, Yên Lập, Vinh Quang xây dựng xong nhưng chẳng có người họp. Còn người dân thì vẫn giữ thói quen mua bán ở các cửa hàng tạp hóa, ở những lều quán tạm bợ được dựng bên ven đường.
Giải bài toán khó
Quy hoạch, xây dựng chợ nông thôn là một trong những tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhưng làm thế nào để chợ nông thôn hoạt động hiệu quả góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn luôn là bài toán khó đối với nhiều xã đã có chợ nhưng không hoạt động trên địa bàn huyện hiện nay.
Để khai thác hiệu quả những chợ nông thôn trên địa bàn đã được xây dựng, đầu tháng 4 vừa qua, UBND huyện Chiêm Hóa đã có kế hoạch triển khai thực hiện chuyển đổi mô hình kinh doanh, khai thác và quản lý chợ. Theo đó, huyện có kế hoạch chuyển đổi các chợ nông thôn sang mô hình hoạt động doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh, khai thác và quản lý chợ; còn đối với những chợ không còn khả năng hoạt động kinh doanh như chợ Minh Quang, Yên Lập thì chuyển đổi sang hướng kinh doanh và phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ nông lâm nghiệp.
Việc chuyển đổi mô hình quản lý kinh doanh khai thác chợ sẽ theo hình thức doanh nghiệp hoặc hợp tác xã được thực hiện, sẽ giao quyền cho các doanh nghiệp hoặc hợp tác xã quản lý thu tiền phí và lệ phí của các hộ kinh doanh tại chợ theo quy định của Nhà nước. Đồng thời, các doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ tổ chức các dịch vụ cung cấp điện, nước cho hộ kinh doanh; dịch vụ an ninh, an toàn cháy nổ, vệ sinh môi trường, vệ sinh công cộng... Bên cạnh đó, công tác tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách, quy định của pháp luật đến các hộ kinh doanh trong chợ theo hướng dẫn của cơ quan chức năng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã sẽ tập trung đầu tư đảm bảo phát triển chợ phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ tại địa phương; đẩy mạnh việc hiện đại hóa cơ sở vật chất tại chợ, đáp ứng nhu cầu kinh doanh, mua bán của tiểu thương và nhân dân.
Hiện nay các xã trên địa bàn đang tiến hành xây dựng phương án để chuyển đổi mô hình quản lý chợ cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Đồng thời, mời gọi, thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, hợp tác xã có tiềm lực kinh doanh và có kinh nghiệm trong quản lý chợ tham gia đăng ký đấu thầu kinh doanh, khai thác, quản lý chợ. Theo kế hoạch, xã Hòa Phú sẽ là địa phương đầu tiên thực hiện thí điểm việc chuyển đổi mô hình khai thác quản lý chợ, tiếp đó sẽ là các xã Yên Nguyên, Kim Bình hoàn thành trong năm 2014; các xã còn lại sẽ hoàn thành việc chuyển đổi mô hình chậm nhất vào quý II /2015.
Gửi phản hồi