Gia đình anh Ma Công Thắng, thôn Bản Têm, xã Minh Quang (Chiêm Hóa) thu hoạch lạc. |
Gia đình anh Ma Công Thắng, thôn Bản Têm, xã Minh Quang có 4.000 m2 đất trồng lạc. Anh tham gia mô hình trồng lạc che phủ ni lông bằng giống lạc L14, được hỗ trợ vật tư, một phần tiền giống và được cán bộ kỹ thuật trực tiếp theo dõi, hướng dẫn nên năm nay gia đình thu gần 30 tạ lạc tươi, tương đương với năng suất 70 tạ/ha. Toàn bộ lạc tươi đều được đầu mối thu mua tại chỗ xuất khẩu sang Trung Quốc với giá bán 11.000/kg, giúp tiết kiệm được chi phí vận chuyển, nhân công đóng gói. Anh cho biết, trồng lạc bằng phương pháp che phủ ni lông nên cây lạc phát triển nhanh ở giai đoạn mọc mầm, hạn chế cỏ dại, giảm công chăm sóc mà năng suất cao hơn khoảng 6 tạ/ha.
Ông Quan Vân Trường, thôn Bản Chỏn, xã Phúc Sơn năm nay cũng trồng 3.000 m2 giống lạc L14. Do thời tiết thuận lợi, chăm bón đúng kỹ thuật nên gia đình ông thu 20 tạ lạc, bán được trên 20 triệu đồng. Giá trị cây lạc cao hơn nhiều lần so với lúa.
Sau một thời gian thử nghiệm, bắt đầu từ vụ lạc 2019, toàn huyện Chiêm Hóa thực hiện trồng toàn bộ bằng giống lạc L14, áp dụng phương pháp che phủ ni lông trên 140 ha tại 11 xã. Qua theo dõi nhận thấy mô hình trồng lạc che phủ ni lông có nhiều ưu điểm, cây lạc sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế được thoát hơi nước, cỏ mọc và đảm bảo giữ ẩm tốt. Ngoài ra, phương pháp này còn chống được xói mòn đất, phòng tránh được nhiều loại sâu bệnh; rút ngắn được thời gian sinh trưởng từ 10 - 15 ngày, lạc phát triển đều, sai củ, cho năng suất cao hơn 20%. Toàn bộ kinh phí ni lông che phủ được huyện hỗ trợ từ nguồn ngân sách và nguồn vốn hỗ trợ sản xuất từ Chương trình nông thôn mới.
Ông Ma Văn Vịnh, Chủ tịch UBND xã Minh Quang cho biết, vụ xuân năm nay, xã trồng trên 500 ha lạc, tập trung chủ yếu ở các thôn Bản Têm, Nà Khau, Nà Mè… mỗi thôn trung bình có trên 70 ha. Năm nay, xã được chọn để thí điểm mô hình trồng lạc giống L14 bằng phương pháp che phủ ni lông, năng suất lạc của xã đạt 70 tạ/ha. Đánh giá ban đầu cho thấy đầu ra của cây lạc ổn định, công chăm sóc tốn ít hơn lúa, thu nhập cao gấp 1,5 lần so với trồng lúa trên cùng 1 diện tích.
Ông Ma Phúc Khứu, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đánh giá, vụ lạc xuân năm 2019, toàn huyện Chiêm Hóa được mùa, được giá lạc, sản lượng đạt 13.300 tấn, giá trị sản xuất đạt 146 tỷ đồng. Với năng suất trung bình 70 tạ củ tươi/ha, sau khi trừ chi phí, người trồng lạc lãi trên 50 triệu đồng/ha.
Gửi phản hồi