Tổ hợp tác thôn Bản Vả, xã Kiên Đài được thành lập từ tháng 8/2013. Ban đầu, Tổ hoạt động sản xuất trồng Dong Giềng và cây Đậu Tương, song trong quá trình thực hiện xét thấy không hiệu quả, từ cuối năm 2014 đến nay, Tổ chuyển mục đích sang chăn nuôi lợn thịt với 13 thành viên tham gia, trong đó có 02 hộ nghèo, 02 hộ cận nghèo. Từ việc các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nuôi lợn chậm lớn, hay dịch bệnh, không có kế hoạch chăn nuôi cụ thể và chưa liên kết được thị trường, chi phí cho chăn nuôi cao…thì khi tham gia Tổ hợp tác chăn nuôi lợn thịt, các thành viên đã được hỗ trợ kinh phí từ Quỹ Tiểu dự án cạnh tranh (CSG) đầu tư mua chung lợn giống, bình xét và phân bổ cho các thành viên, được hỗ trợ xây dựng chuồng trại, mua cám, thức ăn chăn nuôi đảm bảo…Trong năm 2015, tổ đã thực hiện chăn nuôi 02 lứa, với tổng đàn trên 350 con, có hộ phát triển đàn lên 50/lứa, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt đối với các thành viên. Đặc biệt, thông qua quá trình tham gia Tổ hợp tác, người nông dân đã được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi; liên kết với nhau chăn nuôi tập chung, nuôi theo lứa , có quy định thời gian cụ thể theo quy định chung; xây dựng được kế hoạch sản xuất cụ thể; liên kết được thị trường để thực hiện mua chung, bán chung sản phẩm đầu ra và đầu vào, giảm chi phí chăn nuôi, tăng thu nhập cho thành viên.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, đặc biệt tại các khu vực khó khăn nhất của tỉnh Tuyên Quang. Mục tiêu phát triển của Dự án là khuyến khích sự tham gia của các hộ nghèo và hộ dân tộc thiểu số tại 64 xã nghèo thuộc 6 huyện của tỉnh vào các hoạt động kinh tế sinh lời bền vững, qua thực tế hoạt động của Dự án trên địa bàn huyện Chiêm Hóa đã và đang tạo động lực thúc đẩy sản xuất và làm tăng giá trị hàng hóa.
Quy mô chăn nuôi đã được mở rộng khi các hộ gia đình tham gia tổ hợp tác chăn nuôi lợn thịt
tại thôn Bản Vả, xã Kiên Đài.
Qua quá trình triển khai hoạt động của Dự án TNCS với 03 hợp phần bao gồm: Tăng cường năng lực, thể chế để thực hiện Nghị quyết Tam nông; Phát triển chuỗi giá trị vì người nghèo; Xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội có sự tham gia theo định hướng thị trường thì hợp phần thứ 2 đã thực sự đẩy mạnh các hoạt động sinh lời bền vững cho người nông dân ở nông thôn ở Chiêm Hóa. Từ khi triển khai Tiểu hợp phần thúc đẩy các sáng kiến kinh doanh nông nghiệp vì người nghèo trong hợp phần thứ 2, các tổ hợp tác được thành lập trên cơ sở các chuỗi giá trị vì người nghèo được xác định trên địa bàn từng xã. Đến tháng 12/2015, toàn huyện đã thành lập được 96 tổ hợp tác, trong đó nhiều nhất là chăn nuôi lợn thịt với 71 tổ, 14 tổ sản xuất lạc, tiếp đó là các tổ hợp tác trồng cam, nuôi cá lồng, nuôi gà, trồng đậu tương, chuối tây…Tham gia các tổ hợp tác, Dự án hỗ trợ kinh phí tổ chức tập huấn để nâng cao năng lực cho Ban quản lý và các thành viên với những kiến thức cơ bản về nhận thức thị trường, phương pháp lập kế hoạch kinh doanh, ghi chép các loại sổ sách, áp dụng quản lý điều hành hoạt động tổ, viết Tiểu dự án cạnh tranh, góp phần nâng cao giá trị kinh tế khi tham gia sản xuất.
Dự án TNSP được triển khai có hiệu quả, nhất là việc đẩy mạnh hợp phần hoạt động phát triển chuỗi giá trị vì người nghèo đã và đang mang lại lợi ích thiết thực trong hoạt động, tư duy sản xuất kinh doanh cho người nông dân trên địa bàn huyện Chiêm Hóa. Việc nâng cao thu nhập bền vững cho người dân nông thôn sẽ là nền tảng quan trọng đẩy nhanh thực hiện hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện./.
Gửi phản hồi