Chị Hà Thị Thuận, thôn Phúc Tâm, xã Phúc Thịnh phun thuốc trừ sâu bệnh hại cho cây lúa xuân.
Mặc dù là đang trong thời gian cao điểm thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 nhưung nhân dân trên địa bàn huyện vẫn tích cực kiểm tra thăm đồng để phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng vụ xuân. Chị Hà Thị Thuận, thôn Phúc Tâm, xã Phúc Thịnh cho biết: Vụ xuân năm nay gia đình chị gieo cấy trên 1.700n2 ruộng, chủ yếu là giống lúa BC 15 và giống Nếp 97, đến thời điểm hiện nay cây lúa vẫn phát triển tốt, tuy nhiên trước diễn biến phức tạp của thời tiết, gia đình chị đã chủ động tích cực thăm đồng phát hiện dịch bệnh hại lúa và phun thuốc kịp thời, đảm bảo năng xuất trên diện tích gieo cấy.
Còn tại xã Hòa An, thời điểm này 248 ha lúa, 15 ha lạc xuân đang phát triển tốt. Để ứng phó kịp thời trước tình hình sâu bệnh hại có thể xuất hiện trên cây trồng, Uỷ ban nhân dân xã đã chỉ đạo, đôn đốc cán bộ khuyến nông xã, trưởng các thôn, bản và các thành viên ban chỉ đạo sản xuất của xã tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân thướng xuyên thăm đồng, kiểm tra, theo dõi phát hiện các đối tượng sâu bệnh gây hại, kịp thời có biện biện pháp phòng trừ đạt hiệu quả hạn chế ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng.
Cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn người dân cách chăm sóc cây lúa.
Vụ xuân nay, huyện Chiêm Hóa gieo cây gần 3.950 ha lúa, trên 1.900ha lạc xuân, cây ngô trên 1.200 ha. Hiện nay các cây trồng đang trong giai đoạn mẫn cảm với nhiều loại sâu bệnh. Theo kết quả điều tra dự tính dự báo của Trạm trồng trọt & Bảo vệ thực huyện, trong 7 ngày vừa qua đã xuất hiện một số loại sâu bệnh hại, như: rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 1 gây hại rải rác, mật độ trung bình 2-3con/m2; mật độ nơi cao 20-30 con/m2; sâu cuốn lá nhỏ lứa 1 gây hại rải rác, mật độ nơi cao 3-4 con/m2; sâu đục thân 2 gây hại, mật độ nơi cao 1 con/m2; bọ xít đen gây hại rải rác, mật độ khoảng 2 đến 3 con/m2. Đặc biệt với thời tiết nắng mưa thất thường xuất hiện bệnh đạo ôn lá phát sinh gây hại diện hẹp trên các giống nhiễm J02; BC15; Thiên ưu 8, các giống nếp…tỷ lệ hại trung bình khoảng 2 đến 3% nơi cao 5-10% số lá; kèm với đó là bệnh khô vằn gây hại tỷ lệ trung bình 2-3%, nơi cao 5-7% số dảnh. Bên cạnh đó, tại nhiều địa phương phát sinh chuột gây hại cục bộ, diện tích bị hại khoảng 1,5ha. Đối với cây ngô đang xuất hiện sâu đục thân, sâu keo mùa thu ở mật độ thấp, bệnh đốm lá…cây lạc xuất hiện sâu cuốn lá gây hại rải rác; bệnh đốm lá, bệnh héo xanh, lở cổ dễ....Dự báo trong thời gian tới thời tiết tiếp tục diến biến phức tạp tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn và một số sâu bệnh hại phát sinh gây hại trên diện rộng ứng với giai đoạn lúa trỗ bông - phơi màu, đặc biệt là bệnh đạo ôn trên các giống nhiễm J02, những chân ruộng gieo cấy dày, bón nhiều đạm và đối với diện tích lúa đã bị bệnh đạo ôn lá gây hại. Nếu không chủ động phòng trừ, bệnh đạo ôn cổ bông và một số sâu bệnh hại sẽ gây hại trên diện rộng làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng. Để kịp thời ứng phó với dịch bệnh hại trên cây trồng, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện phân công cán bộ phụ trách địa bàn tăng cường kiểm tra đồng ruộng để kịp thời phát hiện các đối tượng sâu bệnh hại, phối hợp với các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng, trừ sâu bệnh gây hại trên lúa mùa đạt hiệu quả nhằm hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra.
Lúa xuân đang bước vào giai đoạn sinh trưởng và phát triển dễ nhiễm các loại sâu bệnh hại, để hạn chế sự phát sinh, lây lan và gây hại của sâu, bệnh đối với lúa xuân, khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp phòng trừ đúng thời điểm, có hiệu quả; thực hiện chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, bón phân cân đối; điều tiết nước hợp lý theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa, tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, đạt năng suất cao./.
Gửi phản hồi