Công nhân Nhà máy Thủy điện Chiêm Hóa trực vận hành các tổ máy.
Đến giữa tháng 12, giá trị sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp của huyện Chiêm Hóa đạt 264,5 tỷ đồng, bằng hơn 110% kế hoạch năm, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó có nhiều sản phẩm có mức tăng khá như Silicon mangan, đũa tách xuất khẩu, điện thương phẩm, điện sản xuất…
Có được những kết quả đó, ngay từ đầu năm 2013, huyện Chiêm Hóa đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp nhằm khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, các cá nhân, doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh hoạt động trên địa bàn, thúc đẩy sản xuất, phát triển công nghiệp, thủ công nghiệp, đa dạng các loại hình dịch vụ, nhất là các hàng hóa nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân; thu hút đầu tư vào các ngành, nghề mà địa phương có nhiều lợi thế. Việc duy trì ổn định và những định hướng đúng đắn trong phát triển sản xuất công nghiệp trong thời gian qua của huyện đã và đang mang lại những tín hiệu khởi sắc trong trong phát triển công nghiệp trên địa bàn trong thời gian tới.
Tại cụm công nghiệp An Thịnh, 2 nhà máy sản xuất chính đã hoạt động từ 6 năm nay là Công ty cổ phần Khoáng sản và Công nghiệp Chiến Công (Sản xuất silicon mangan); Công ty CP Thương mại - Sản xuất xuất khẩu Phúc Lâm (Chế biến đũa gỗ tách xuất khẩu) vẫn đang duy trì sản xuất ổn định, với mỗi ngày trên 40 tấn quặng ra lò và hàng triệu đôi đũa tách xuất khẩu được đóng gói.
Anh Lê Văn Bí, Giám đốc Công ty CP Thương mại - Sản xuất xuất khẩu Phúc Lâm cho biết: Năm nay, mặc dù tình hình sản xuất gặp không ít khó khăn do nguồn nguyên liệu gỗ tại địa phương bắt đầu khan hiếm, công ty phải mua gỗ từ các tỉnh bạn như Hà Giang, Yên Bái… mới đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất. Nhưng bù lại, công ty có đầu ra ổn định bên phía đối tác Nhật Bản nên hoạt động sản xuất luôn được duy trì 3 ca liên tục với trên 200 công nhân lao động. Công ty hiện nay sản xuất hai mặt hàng chính là đũa tách xuất khẩu và gia công phong bì truyền thống của Nhật Bản.
Ngoài hai nhà máy đang hoạt động thì hiện nay 2 nhà máy gồm Nhà máy chế biến và bảo quản hàng nông sản và Nhà máy chế biến Lâm sản đang được khẩn trương thi công để kịp thời đi vào hoạt động vào đầu năm 2014. Chị Bùi Thị Thúy, Giám đốc Công ty TNHH Sao Việt cho biết, sau một thời gian tạm ngừng xây dựng nhà máy chế biến và bảo quản hàng nông sản tại Cụm công nghiệp An Thịnh do vướng mắc về thủ tục đầu tư, hiện nay công ty đang tiếp tục đầu tư xây dựng nhà máy có quy mô 1,3 ha, với tổng mức đầu tư trên 15 tỷ đồng. Theo dự kiến nhà máy sẽ chính thức đi vào hoạt động từ quý II năm 2014. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ tiến hành thu mua các mặt hàng nông sản tại địa phương để sản xuất, đồng thời tạo việc làm cho hằng trăm lao động tại địa phương.
Quặng ra lò tại Nhà máy Sản xuất silicon mangan Cụm công nghiệp An Thịnh.
Ngoài Cụm công nghiệp An Thịnh, tại thôn Tân Lập xã Trung Hòa, nhà máy sản xuất gạch Hồng Đăng của Công ty TNHH Vĩnh An có trụ sở tại thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) cũng đang được gấp rút hoàn thành. Anh Nguyễn Hồng Quế, Giám đốc công ty cho biết, nhà máy có tổng mức đầu tư trên 14 tỷ đồng, sản xuất mặt hàng chính là sản phẩm gạch không nung để cung cấp cho thị trường trong huyện và các địa phương lân cận. Hiện nay, công ty đã hoàn thành xong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, bắt đầu đầu tư vào các hạng mục. Dự kiến, nhà máy sẽ chính thức đi vào hoạt động vào quý I năm 2014.
Hiện huyện Chiêm Hóa đang tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; tiếp tục điều chỉnh đầu tư một số hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp An Thịnh như đường giao thông, đường điện, đường ống thoát nước... đến nay, việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật đã hoàn thành trên 85% tiến độ. Để sản xuất công nghiệp trên địa bàn Chiêm Hóa được bền vững và phát triển, huyện rất cần sự chỉ đạo quyết liệt từ các cấp, ngành liên quan của tỉnh; cơ chế chính sách thu hút nhà đầu tư, những vấn đề về môi trường, đào tạo lao động, vốn, quy hoạch đất đai để có thể đón đầu những cơ hội phát triển và khai thác có hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh của huyện.
Với những kết quả trên, tin tưởng hoạt động sản xuất công nghiệp của huyện Chiêm Hóa trong thời gian tới sẽ có đà đi lên.
Gửi phản hồi