Tại nhà máy sản xuất đũa tách xuất khẩu của Công ty cổ phần Thương mại - Sản xuất, xuất khẩu Phúc Lâm (Cụm công nghiệp An Thịnh) hiện vẫn duy trì việc làm ổn định cho trên 200 công nhân. Lãnh đạo nhà máy này cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu nguyên liệu, hiện nay nguồn gỗ bồ đề để phục vụ cho sản xuất đũa của công ty ngày một khan hiếm, trong khi phía đối tác Nhật Bản lại yêu cầu rất cao về chất lượng cũng như mẫu mã. Để đáp ứng đủ yêu cầu đặt hàng, công ty đã phải thu mua nguyên liệu dự trữ ở nhiều tỉnh bạn như Hà Giang, Yên Bái, Bắc Kạn…
Sản xuất đũa tách xuất khẩu tại nhà máy của Công ty cổ phần
Thương mại - Sản xuất, xuất khẩu Phúc Lâm (Cụm công nghiệp An Thịnh, Chiêm Hóa).
Cùng với việc đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp trên địa bàn như công nghiệp chế biến, công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, đẩy mạnh công tác quy hoạch phát triển các cụm, điểm công nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân phát triển công nghiệp để khai thác tiềm năng của địa phương, huyện Chiêm Hóa cũng chú trọng phát triển ngành tiểu thủ công nghiệp. Toàn huyện hiện có 2.539 cơ sở, hộ gia đình tham gia sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tăng trên 800 cơ sở so với năm 2010. Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như gò hàn, rèn, may mặc, sửa chữa ô tô, điện tử điện lạnh; nghề mộc gia dụng…
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, khó khăn trong phát triển công nghiệp của huyện thường nảy sinh do nhiều nguyên nhân. Trong đó, giá thành sản xuất sản phẩm Silicollmangan cao hơn giá thị trường, nên từ đầu năm đến nay Nhà máy sản xuất Ferromangan đã phải dừng hoạt động; diểm khai thác quặng Antimon Cốc Táy, xã Yên Lập đang trong thời gian khoan thăm dò lại trữ lượng... Một khó khăn nữa là ngành nghề thủ công nghiệp toàn huyện còn nhỏ lẻ, manh mún, sản phẩm làm ra chủ yếu là tiêu dùng nội địa, thiếu các cơ sở sản xuất công nghệ cao nên ít có khả năng mở rộng được thị trường.
Để đảm bảo chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp những tháng còn lại năm 2015, huyện Chiêm Hóa tập trung đẩy mạnh chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng; thường xuyên nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; có cơ chế ưu đãi cho các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh như hỗ trợ vốn từ nguồn kinh phí khuyến công, hỗ trợ xúc tiến thương mại. UBND huyện chỉ đạo cơ quan, đơn vị chức năng tập trung rà soát các dự án đầu tư chậm tiến độ để có giải pháp xử lý; hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác giải phóng mặt bằng, các thủ tục hành chính và các thủ tục pháp lý để doanh nghiệp đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp trên địa bàn.
Gửi phản hồi