Vụ xuân năm 2017, Trạm khuyến nông huyện Chiêm Hóa đã phối hợp cùng công ty TNHH Dekalb đưa giống ngô lai DK 6919S vào làm mô hình với quy mô 0,1 ha tại thôn Nà Tuộc, xã Ngọc Hội, với sự tham gia của 1 hộ gia đình. Hộ tham gia thực hiện được hỗ trợ 100% giống, 50% phân bón, được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ngô trong suốt quá trình tham gia thực hiện mô hình. Giống ngô DK6919S là giống ngô biến đổi gen được cục Trồng trọt, Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận tại Quyết định số 594 ngày 25/12/2015. Dekalb là thương hiệu các giống ngô lai do tập đoàn Monsanto nghiêm cứu lai tạo và sản xuất; mỗi giống ngô Dekalb trước khi được giới thiệu tới người dân Việt Nam phải trải qua quá trình chọn tạo giống và khảo nghiệm vô cùng khắt khe.
Mô hình ngô lai DK 6919S vụ xuân năm 2017 tại thôn Nà Tuộc, xã Ngọc Hội.
Qua đánh giá bước đầu tại Hội nghị, đây là giống ngô có thời gian sinh trưởng ngắn từ 100 - 105 ngày, thích hợp trồng cả 3 vụ trong năm. Cây sinh trưởng và phát triển tốt, chịu thâm canh và chịu mật độ trồng dầy, hạt đóng múp đầu, lá bi bao kín bắp và cho năng suất cao. Đặc biệt, giống ngô này kháng cả 3 loại sâu chính trên cây ngô như: Sâu đục thân, đục bắp và sâu khoang. Tỷ lệ tách hạt cao, hạt dẹt, lõi bắp nhỏ, lá cây xanh đến khi thu hoạch. Năng suất đạt từ 14-16 tấn/ha, năng suất trung bình cao hơn giống ngô DK 6919 từ 10-13%. Tại hội nghị, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến hai đặc tính ưu việt của giống đó là: thời gian sinh trưởng ngắn và chịu mật độ trồng dầy. Đây chính là hai yếu tố quyết định giúp thúc đẩy tăng năng suất và cơ cấu lịch mùa vụ cho cây ngô trong thời gian tới trên địa bàn huyện.
Gia đình chị Lương Thị Bính, thôn Nà Tuộc, xã Ngọc Hội là hộ gia đình tham gia thực hiện mô hình với diện tích 1.000 m2 và thực hiện trồng trên đất ruộng 1 vụ lúa. Chị cho biết: Cùng một đơn vị diện tích, trước đây gia đình chị trồng giống ngô khác, năng suất chỉ đạt 6 tạ/1000 m2 tuy nhiên vụ xuân 2017, gia đình chị thực hiện thí điểm mô hình đưa giống ngô DK6919S vào trồng năng suất đạt 9 tạ/1000 m2. Hơn nữa, do không bị sâu đục thân gây hại nên ruộng ngô của gia đình chị sinh trưởng tốt hơn hẳn so với giống ngô khác.
Qua mô hình trồng thử nghiệm giống ngô DK 6919S tại xã Ngọc Hội đã đánh giá được các chỉ tiêu sinh trưởng và phát triển, khả năng chống chịu sâu bệnh, khả năng thích ứng với điều kiện ngoại cảnh và năng suất giống ngô. Trên cơ sở đó, sẽ đánh giá nhân rộng, góp phần tăng thêm một số giống ngô mới có năng suất cao, chất lượng tốt trên địa bàn xã Ngọc Hội nói riêng và huyện Chiêm Hóa nói chung, tích cực thực hiện mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân trên cùng một đơn vị diện tích./.
Gửi phản hồi