Trong năm 2013, huyện đã tăng cường năng lực quản lý, thể chế để thực hiện nghị quyết tam nông. Thường xuyên củng cố, kiện toàn và duy trì hoạt động tổ Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội có sự tham gia theo cơ chế thị trường (MOP - SEDP) huyện. Tổ chức tập huấn 18 lớp tại 14 xã Dự án với 1.475 người tham gia; 2 hội nghị đối thoại công - tư và xúc tiến phát triển ngành hàng. Ngay sau hội nghị đã có 3 công ty ký biên bản ghi nhớ với đại diện của tổ hợp tác và chính quyền các xã về cung ứng đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho các chuỗi, đã có trên 20 đại diện của Tổ nhóm và người sản xuất ký kết biên bản hợp tác với 4 công ty trong các lĩnh vực cung ứng đầu vào cả về vật tư, dịch vụ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm gồm lạc, lợn thịt và chuối tây. Có 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Sao Việt và Công ty TNHH An Trường Lộc ký hợp đồng với các Tổ hợp tác, Hợp tác xã NLN và các thôn với tổng giá trị hợp đồng gần 1,5 tỷ đồng. Hoạt động này không chỉ đem lại lợi ích đáng kể cho người sản xuất mà còn giúp họ chủ động hơn trong sản xuất hàng hóa, nâng cao nhận thức cho người dân khi bước vào một hình thức sản xuất mới - sản xuất hàng hóa theo định hướng thị trường. Các đơn vị thực thi tuyến tỉnh thực hiện tại huyện bao gồm: Sở NN - PTNT, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Hội LHPN tỉnh, huyện, Hội nông dân tỉnh tổ chức hàng chục lớp tập huấn, mô hình chế biến, bảo quản, thâm canh…mang lại hiệu quả thiết thực cho các xã thực hiện dự án.
Trong hợp phần II Phát triển chuỗi giá trị vì người nghèo, huyện đã xác định và xếp thứ tự ưu tiên cho chuỗi giá trị vì người nghèo, triển khai tập huấn cho 14 Ban phát triển xã, lựa chọn và xác định ưu tiên cho các chuỗi giá trị phù hợp với điều kiện của địa phương, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc khuyến khích được nhiều hộ nghèo và cận nghèo tham gia như Chuỗi lạc, lợn thịt, keo, đậu tương…Các đơn vị thực thi cấp tỉnh và huyện phối hợp với các Ban phát triển xã tổ chức các lớp đào tạo nông dân chủ chốt, đào tạo nông dân trên hiện trường và xây dựng các mô hình trình diễn trên địa bàn huyện, đảm bảo theo tiến độ kế hoạch năm như Trạm khuyến nông thực hiện 189 lớp với 5.670 người tham gia, Trạm Thú y tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ thú y thôn bản tại các xã Phúc Sơn, Tân Mỹ, Hùng Mỹ, Minh Quang với 66 cán bộ tham gia; tổ chức cấp phát dụng cụ thú y cho 109 thú y viên, tổ chức tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm…Bên cạnh đó, đã tăng cường tiếp cận các dịch vụ tài chính nông thôn như phối hợp với Hội LHPN thành lập, củng cố và duy trì hoạt động nhóm, tiếp tục giám sát, duy trì hoạt động của 257 tổ tiết kiệm và vay vốn.
Đối với Hợp phần Xây dựng và thực thi kế hoạch MOP - SEDP: Tiến độ giải ngân vốn DCF năm 2013 đến nay là trên 11 tỷ đồng, đạt 71,7% để tiến hành xây dựng các cơ sở hạ tầng công, cơ sở hạ tầng sản xuất, hỗ trợ học sinh nghèo, đào tạo nghề…Đến nay, các công trình cơ sở hạ tầng công đã nghiệm thu và đưa vào sử dụng 55/60 công trình; đào tạo chữ viết và tính toán cơ bản đã giúp người nông dân nâng cao năng lực để có khả năng hạch toán trong phát triển kinh tế gia đình theo hướng sản xuất hàng hóa; đào tạo nghề cho thanh niên từ các hộ nghèo thiếu đất sản xuất không có việc làm để có nghề, có việc làm tạo thu nhập ổn định.
Sau 3 năm thực hiện dự án TNSP trên địa bàn huyện, nhìn chung các hoạt động của dự án TNSP đã giúp cán bộ và nhân dân các xã trong vùng dự án thay đổi về nhận thức trong xác định nhu cầu, xây dựng kế hoạch, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đều trên cơ sở định hướng của thị trường. Bước đầu đã thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp và tư nhân trong việc cung cấp dịch vụ, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm không chỉ góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân nông thôn, khuyến khích sự tham gia của các hộ nghèo và dân tộc thiểu số vào các hoạt động kinh tế sinh lời bền vững mà còn làm thay đổi tư duy trong xây dựng kế hoạch, biết được điểm mạnh, điểm yếu và nắm được cơ hội cũng như thách thức của thị trường để tổ chức sản xuất theo hướng liên doanh, liên kết, sản xuất hàng hóa. Kết quả: đã mở được 388 lớp FFS với trên 9.600 người tham gia, trong đó chuỗi lạc là 103 lớp với 2.680 người và 236 hộ thực hiện; chuỗi lợn 38 lớp với 980 người tham gia và 38 hộ thực hiện, còn lại là các chuỗi tiềm năng khác. Các lớp hiện trường về trồng trọt có năng xuất đều cao hơn so với năng xuất bình quân từ 15 - 25%, lớp hiện trường về chăn nuôi có trọng lượng bình quân đều đạt so với kế hoạch. Về xây dựng cơ sở hạ tầng công: đã xác định và thực hiện được 96 đầu điểm để phục vụ phát triển các chuỗi giá trị tiềm năng. Hỗ trợ làm đường giao thông được trên 18km, xây mương được 4,4km, cầu tràn 3 công trình. Các cơ sở hạ tầng công đã góp phần giảm bớt khó khăn cho các thôn bản, vận chuyển vật tư và phân bón, sảm phẩm sau thu hoạch được dễ dàng, thị trường đã quan tâm nhiều hơn, sôi động hơn, đặc biệt là các công trình hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương giúp người nông dân chủ động trong việc cấp thoát nước, làm tăng năng xuất, chất lượng sản phẩm cây trồng, tăng thu nhập cho người dân. Hoạt động của dự án TNSP đã đóng góp đáng kể và quan trọng trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Năm 2014, Ban hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp huyện Chiêm Hóa sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện điều phối chung, triển khai đồng bộ các hoạt động của dự án trên địa bàn. Thường xuyên duy trì, củng cố và kiện toàn các tổ chức của dự án từ huyện đến cơ sở. Phối hợp thực hiện hoàn thành Kế hoạch công tác và Ngân sách năm. Thực hiện tốt việc liên kết bốn nhà trong sản xuất hàng hóa, tổ chức Hội nghị bàn tròn doanh nghiệp, hội nghị đối thoại công – tư và xúc tiến thương mại, kết nối thị trường cho người nông dân.
Đồng chí Ma Thế Hồng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy trao giấy khen cho các tập thể đạt thành tích
trong 3 năm thực hiện dự án TNSP (2011 - 2013)
Kết thúc hội nghị tổng kết công tác năm 2013, sơ kết 3 năm thực hiện dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã có 11 tập thể và 28 cá nhân được khen thưởng vì đã có thành tích trong 3 năm thực hiện dự án TNSP (2011 - 2013).
Gửi phản hồi