Vụ đông năm nay, Chiêm Hóa có kế hoạch gieo trồng 4.338 ha cây màu vụ đông, trong đó, cây ngô là 2.878 ha, khoai lang 390 ha, còn lại là lạc, rau, đỗ các loại. Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã cử cán bộ về các xã phối hợp với khuyến nông cơ sở trực tiếp hướng dẫn bà con cách làm đất, lựa chọn những giống cây trồng phù hợp.
Nhân dân thôn Nà Bó, xã Phúc Thịnh làm đất chuẩn bị trồng cây vụ đông. |
Năm nay, xã Phúc Thịnh trồng trên 100 ha cây vụ đông, chủ yếu là cây ngô với trên 80 ha, còn lại là lạc và các loại đỗ. Anh Khổng Thanh Mạnh, thôn Nà Bó trồng 1.000 m² lạc L14 theo hình thức che phủ ni lông và 3.000 m² cây ngô lấy hạt, toàn bộ diện tích của gia đình hiện đã trồng xong và bắt đầu giai đoạn chăm sóc.
Anh Triệu Quang Hải, Chủ tịch UBND xã Phúc Thịnh nói, xã thu hoạch lúa mùa sớm hơn 8 ngày so với vụ mùa năm trước, đây là điều kiện thuận lợi để trồng cây trồng vụ đông. Hiện tại, xã đã trồng được hơn 1ha cây ngô lấy hạt. Chính quyền xã đã chỉ đạo nhân dân trồng thêm các loại rau màu, phấn đấu nâng hệ số sử dụng đất lên 2,8 lần.
Trên “vựa lạc” xã Phúc Sơn, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện đã phối hợp với Trung tâm chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông (Hà Nội) đang triển khai dự án trồng giống lạc L14 nhằm khôi phục nguyên trạng giống lạc thuần chủng. Ông Quan Văn Trường, thôn Bản Chỏn có 2.000 m² tham gia dự án. Ông cho biết: Gia đình gắn bó với cây lạc từ năm 2000, tuy nhiên lạc hiện nay năng suất không còn được như trước, do đó vụ đông năm nay, ông quyết định tham gia dự án để bảo tồn và duy trì được giống lạc quý, đồng thời có giống cung cấp cho bà con trong xã vào vụ sau.
Câu lạc bộ “Trồng rau an toàn thích ứng với biển đổi khí hậu” tại thôn Làng Tạc, xã Yên Nguyên do Chi hội phụ nữ thôn triển khai hiện có 70 thành viên với diện tích khoảng 8 ha. Nếu như năm trước chị em chú trọng vào cây đỗ và cây mướp, thì năm nay, nhiều loài cây mới được đưa vào trồng như cải thảo, mướp đắng không hạt, bắp cải tím và dưa lê, toàn bộ được trồng theo hướng VietGAP. Bà Nguyễn Thị Phúc, Chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết: Ngoài việc hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất rau an toàn, câu lạc bộ chú trọng tuyên truyền, vận động thành viên nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc sản xuất rau sạch. Sau năm 2018 triển khai thành công, hiện toàn bộ sản phẩm rau sạch của câu lạc bộ đều được thương lái đặt mua. Với giá bán trung bình khoảng 16.000/kg như hiện nay, cứ 1.000 m² trồng cây rau vụ đông sẽ cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng.
Huyện Chiêm Hóa đã hình thành các vùng chuyên canh cây vụ đông như rau, đậu, đỗ tại xã Yên Nguyên và Phúc Thịnh; lạc tại xã Phúc Sơn, Minh Quang; cây ngô tại các xã Tân Mỹ, Hùng Mỹ, Tân An; các loại cây lấy quả như mướp, bí, su su tại xã Yên Lập, Ngọc Hội… Hiện huyện đang khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tiến hành liên kết với người nông dân để bảo đảm nguồn giống cây trồng, nâng cao chất lượng thâm canh và bảo đảm đầu ra cho sản phẩm.
Gửi phản hồi