Chị Nguyễn Thị Hà, thôn Làng Mòi, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) chăm sóc nghé con được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. |
Gia đình chị Nguyễn Thị Hà, thôn Làng Mòi, xã Yên Nguyên là 1 trong 50 hộ của xã tham gia dự án từ đầu năm 2018. Chị được hỗ trợ toàn bộ vật tư như phôi giống, dụng cụ phối giống và được hỗ trợ 300.000 đồng cho 1 con trâu chửa, đẻ… Sau một năm tham gia dự án, đến nay, trâu mẹ đã đẻ 1 nghé con 36 kg nặng gấp 2 lần so với nghé giống bản địa.
Xã Hòa Phú có 40 hộ dân tham gia dự án, các hộ ngoài việc được hỗ trợ trang thiết bị để thụ tinh cho trâu còn được tham gia các lớp tập huấn về cách chăm sóc trâu sinh sản, các thời điểm phối giống thích hợp, khâu vệ sinh khi nghé con ra đời và cách chữa một số bệnh thường gặp. Anh Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú nhấn mạnh, việc cải tạo đàn trâu thông qua biện pháp thụ tinh nhân tạo là bước đột phá trong chăn nuôi, nghé con có tầm vóc to, nặng hơn nghé bản địa.
Dự án ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo cho đàn trâu tại huyện Chiêm Hóa được triển khai trên 90 con tại 2 xã Yên Nguyên và Hòa Phú từ tháng 1 - 2018. Trâu cái tham gia dự án phải có cân nặng từ 350 kg trở lên, sức khỏe tốt, mỗi con trâu đều được cấp sổ thăm khám định kỳ do cán bộ thú y xã quản lý. Đến nay, trên địa bàn 2 xã có 5 nghé con được sinh ra với trọng lượng từ 30 kg đến 42 kg. Nguồn con giống được nhập ngoại từ Trung tâm Giống gia súc lớn Trung ương (Hà Nội), điều này sẽ cải thiện di truyền của giống trâu địa phương, tránh đồng huyết, đặc biệt nâng cao được chất lượng thịt thương phẩm, giữ vững thương hiệu tập thể “Trâu Chiêm Hóa Tuyên Quang” đã được công nhận 2015.
Gửi phản hồi