Leng keng tiếng kẻng
Ông Sơn năm nay đã ở tuổi thất thập nhưng còn rất quắc thước, nước da bánh mật như thấm đẫm gió sương núi rừng. Ông kể, lúc mới về đây, bà con lo lắng lắm vì xưa nay có đi đâu ra khỏi cánh rừng Xuân Tân. Quê ông cái gì cũng sẵn, lên rừng một buổi là kiếm đủ cái ăn cho cả mấy ngày. Tập quán đó khiến người ta ỷ vào thiên nhiên, vào rừng núi, vậy nên khi về đây cái gì cũng phải đụng đến… tiền, mà muốn có tiền thì phải làm lụng, ông Sơn tâm sự. Nhiều người lúc ấy còn muốn trở về quê, ông bảo, cấm có được nản, phải làm cho vùng đất này trù phú, dân mình giàu lên. Niềm tin ấy trong ông Sơn lan tỏa trong bà con xóm bản, giờ đây Khuổi Hỏi là điểm sáng trong phát triển kinh tế của xã mà ông Sơn là người mở lối.
Năm 2011, huyện, xã giao cho mỗi hộ ở Khuổi Hỏi trên 2 ha đất vườn rừng, các hộ còn có thể nhận thêm với điều kiện không để đất đai hoang hóa. Ông Sơn mạnh dạn đứng ra nhận 4ha đất, ông cải tạo 2ha để trồng keo, 2ha còn lại có vị trí gần suối ông trồng cam sành và nuôi thêm lợn đen đặc sản. Lúc đầu mới làm, đất đồi thiếu nước, cây cam còi cọc, tỷ lệ cây chết nhiều. Ông mất ngủ vì đồi cam, thế rồi ông tìm cách bắc nước từ suối tưới cho vườn cam nhà mình. Ông vào rừng chọn từng cây luồng dài trên 4m, bổ đôi làm máng dẫn nước tưới cho cây. Ông có mặt ở đồi cam từ khi mặt trời chưa mọc đến khi mặt trời khuất sau núi mới về nhà. Công chăm bẵm vườn cam để hôm đến ngày cho trái ngọt. Đồi cam 3 năm tuổi (năm 2014) bắt đầu cho thu quả, ông bán được gần 50 triệu đồng.
Trưởng thôn Lý Văn Sơn, thôn Khuổi Hỏi, xã Trung Hà đang bán hàng cho khách. |
Có chút vốn, ông đầu tư chăn nuôi lợn đen thả vườn rừng. Ông huấn luyện cho đàn lợn nhận biết tiếng kẻng kéo nhau về khi đến giờ ăn. Mỗi khi tiếng kẻng leng keng vọng vào vách núi, đàn lợn đen ụt ịt kéo nhau về, nhờ đó ông không mất công đi đuổi lợn từ trên rừng về khu chuồng nuôi nữa. Lợn ăn cây chuối rừng, ăn rau khoai lang, cám ngô, gạo, lại được “leo núi” nên thịt chắc, thơm, khách hàng ở khắp nơi đổ về mua mà không đủ để bán. Có những thời điểm người nuôi lợn khốn đốn vì giá lợn xuống đáy, nhưng lợn đen nhà ông vẫn có gán bán 75 nghìn đồng/kg, mỗi năm ông xuất bán 4 tấn lợn thịt, giá 75 nghìn đồng/kg, trừ chi phí còn lãi 200 triệu đồng.
“Lối đi” đã thuận
Anh Bàn Càn Thắng, sinh năm 1991 là điển hình trong phong trào thanh niên lập thân lập nghiệp. Anh kể, năm 2009, học xong cấp 3 thì gia đình di cư về đây. Anh đã từng đi làm đủ nghề nhưng vẫn tay trắng. Một lần đi họp thôn, ông Sơn vỗ vai bảo “trẻ không làm thì sau này lấy gì nuôi vợ con. Đàn ông mà không là điểm tựa cho người bạn đời của mình, thì tủi lắm”. Những câu nói của ông Sơn cứ ám ảnh anh Thắng, anh muốn bứt phá để khẳng định mình.
Năm 2014, sau khi lập gia đình, anh vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 20 triệu đồng, cùng số vốn vay mượn anh em họ mạc đầu từ trồng 700 cây cam trên diện tích 2ha đất đồi, nuôi 200 con gà thả vườn để nhanh quay vòng vốn. Anh học được ở ông Sơn nhiều điều, cả kinh nghiệm sống cũng như kiến thức trồng, chăm sóc cam, vậy nên lối anh đi thuận lợi hơn nhiều. Hiện mỗi năm anh Thắng thu lãi trên 100 triệu đồng từ bán cam, nuôi gà. Đầu tháng 8 năm nay, anh được Huyện đoàn Chiêm Hóa tuyên dương thanh niên làm kinh tế giỏi.
Ông Bàn Dào Cán, thôn Khuổi Hỏi, xã Trung Hà chăm sóc 2 ha rừng keo của gia đình. |
Anh Chư Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Hà cho biết, thôn Khuổi Hỏi trước đây nghèo nhất xã, nhưng với khát vọng làm giàu của người dân tái định cư, diện mạo nông thôn ở vùng quê này đã có nhiều thay đổi. UBND xã đã quy hoạch vùng trồng cam tập trung chủ yếu ở Khuôi Hỏi với 100ha; tạo điều kiện để người dân được tiếp cận nguồn vốn đầu tư phát triển chăn nuôi, mở dịch vụ, mỗi năm đạt doanh thu khoảng 7,1 tỷ đồng. Đây là con số ấn tượng ở vùng đất này.
Khuổi Hỏi có 2 dân tộc là Dao và Tày cùng sinh sống, bà con đoàn kết một lòng, giúp đỡ nhau vươn lên thoát nghèo. Đến nay, Khuổi Hỏi chỉ còn 2 hộ nghèo do chủ hộ bị tàn tật và neo đơn. Hộ ông Bàn Dào Cán, trước đây là hộ nghèo trong thôn, để giúp gia đình ông thoát nghèo, Ban công tác Mặt trận thôn đến tận nhà vận động, giúp đỡ ông Cán về thị trấn Vĩnh Lộc học nghề sửa xe máy. Đoàn viên, thanh niên trong thôn đã quyên góp ngày công lao động, giúp gia đình ông cải tạo 2ha đất hoang hóa để trồng rừng. Hiện nay, gia đình ông đã vươn lên trở thành hộ khá trong thôn với thu nhập ổn định khoảng 70 triệu đồng mỗi năm từ làm dịch vụ sửa chữa xe máy và các nguồn kinh tế khác.
Ông Ma Phúc Khứu, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chiêm Hóa cho biết, hiện phòng đang làm đề án quy hoạch khu trồng cam VietGAP tại thôn Khuổi Hỏi. Đồng thời tìm đầu ra cho các sản phẩm của thôn ở các siêu thị, nhà hàng trong và ngoài tỉnh, giúp người dân Khuôi Hỏi ngày càng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Gửi phản hồi