Cây nhãn phát triển ở xã Vinh Quang đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Hằng năm vào mùa thu hoạch, các hộ gia đình có lò sấy long nhãn luôn tấp nập người làm. Ông Dương Văn Chừng, thôn Tiên Hóa 1 cho biết, mỗi khi vào vụ làm long nhãn, gia đình ông cần từ 20 - 25 người làm, vì vậy nhiều khi phải thuê thêm những lao động ở địa phương khác mới hoàn thành được các công đoạn từ thu hoạch, thu mua, bóc nhãn.
Quả nhãn tươi thu hoạch về được bóc lấy cùi sau đó cho vào lò sấy. Cùi nhãn khi tách phải đảm bảo không bị rách và được sấy trong vòng 24 giờ. Long nhãn hiện có giá dao động từ 180 - 200 nghìn đồng/kg. Mỗi vụ gia đình ông sấy được khoảng 7 - 8 tạ long nhãn, thu lãi gần 100 triệu đồng. Ông cũng cho biết thêm, vụ làm long nhãn chỉ kéo dài khoảng hơn 1 tháng, với thu nhập như hiện tại nhiều gia đình cũng đã đầu tư thêm lò để tăng năng suất.
Sản phẩm long nhãn của xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) nhận được sự quan tâm của khách hàng
tại Hội chợ trưng bày và bán các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm du lịch, ẩm thực đặc trưng
của huyện lần thứ nhất năm 2018.
Để làm long nhãn, mỗi khi vào vụ số lượng lao động cần cho việc bóc cùi nhãn lên đến hàng nghìn người. Mỗi cân nhãn tươi sau khi bóc, người lao động được trả công 5.000 nghìn đồng/người. Đối với những người mới làm, mỗi ngày bình quân bóc được khảng 20 - 30 kg nhãn tươi, nhưng những người có tay nghề có thể bóc được 50 - 60 kg nhãn tươi. Vì vậy, đây là cơ hội tốt cho những lao động tại địa phương kiếm thêm thu nhập từ việc tách cùi nhãn.
Ngoài long nhãn, sản phẩm mật ong hoa nhãn của xã đã được nhiều người yêu thích bởi mật lấy từ hoa nhãn thường có màu vàng óng, có mùi thơm đặc trưng và để cả năm cũng không bị xuống màu. Vì vậy, ngày càng có nhiều gia đình tận dụng mùa hoa nhãn để phát triển đàn ong, có thêm thu nhập. Anh Nguyễn Văn Thiên, thôn Tân Quang nói, tận dụng mùa hoa nhãn, gia đình anh đã đầu tư nuôi 30 đõ ong lấy mật. Thời gian khai thác mật ong hoa nhãn không dài, chỉ từ 25 - 30 ngày, nếu thời tiết nắng đẹp thì cứ 3 - 4 ngày có thể thu được một lứa mật. Mỗi năm gia đình anh quay được hơn 100 lít mật ong, với giá mật ong hiện tại là 150 nghìn đồng/lít, anh thu về hơn chục triệu đồng.
Anh Phạm Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, các sản phẩm từ cây nhãn đã góp phần đáng kể trong việc phát triển kinh tế cho người dân trên địa bàn xã. Hiện tại, toàn xã có 68 lò sấy, năng suất mỗi lò sấy đạt từ 6 - 8 tạ long nhãn khô/vụ, thu về hàng trăm triệu đồng/lò. Để phát triển nghề làm long nhãn và đưa sản phẩm long nhãn xã Vinh Quang đến với người tiêu dùng trong cả nước, UBND xã đang lập Đề án đăng ký và phát triển thương hiệu sản phẩm long nhãn Vinh Quang gửi đến các đơn vị chức năng. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các hộ gia đình đảm bảo đúng quy trình sản xuất để các sản phẩm đưa ra thị trường tuyệt đối an toàn, hợp vệ sinh./.
Gửi phản hồi