“Thủ phủ” lạc
Từ trung tâm huyện Chiêm Hóa, ngược theo đường ĐT 188, chúng tôi tìm đến xã Phúc Sơn, mảnh đất được mệnh danh là “thủ phủ” của vùng lạc Chiêm Hóa. Từ đỉnh đèo Lai nhìn xuống thung lũng ở xã Phúc Sơn, đâu đâu cũng thấy màu của lạc: Lạc ở ngoài đồng, lạc ở soi bãi và cả ở trong vườn mỗi nhà. Trong nắng vàng dịu nhẹ của tiết trời cuối xuân, những cánh đồng lạc ở Phúc Sơn từ Bản Cậu, Nà Pết, Phiêng Tạ cho tới Bản Tầng, Bản Biến… xanh tươi hơn. Anh Trần Văn Tú, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hồ hởi khoe rằng: “Lạc Chiêm Hóa đấy cậu ạ! Ở đây, vụ xuân là vụ gieo trồng lạc chính, nên mùa này bà con không gieo cấy lúa. Phần lớn diện tích đất canh tác ở đây đã được bà con chuyển đổi sang trồng lạc. Một vụ lạc thu về bằng cả 3 vụ lúa!”
Mô hình trồng, thâm canh lạc giống L14 chọn lọc do Trung tâm Khuyến nông tỉnh
thực hiện tại xã Hà Lang (Chiêm Hóa).
Thời điểm này bà con đang chăm sóc, vun xới cho cây lạc. Khắp các cánh đồng nơi đây như đang vào hội. Không khí nhộp nhịp cùng những căn nhà khang trang, bề thế dọc hai bên đường ở xã Phúc Sơn đủ để khẳng định “một vụ lạc bằng 3 vụ lúa” của Phó phòng Nông nghiệp huyện nói thật có lý. Tấp xuống thửa ruộng nằm ven đường bê tông thôn Bản Cậu, chủ nhân của khu ruộng lạc, ông Hứa Văn Quý không giấu nổi niềm vui: “Năm nay thời tiết thuận lợi lắm, lạc gieo vào dịp ra Tết. Thời điểm đó nắng ấm, ruộng không bị ngập úng nên gieo hạt nào là mọc hạt đấy. Thời điểm này đang là lúc lạc bén rễ, sinh trưởng mạnh lại thường xuyên có mưa phùn, tạo độ ẩm cho đất, nên cây nào cây đấy xanh mướt. Cứ đà này, năm nay bội thu là chắc rồi!”.
Nhìn khung cảnh tấp nập nhộn nhịp của vùng lạc những ngày này, không ai nghĩ cây lạc đã có nhiều thời gian thăng trầm cùng nông dân Phúc Sơn. Ông Quý bảo rằng, cây lạc có mặt ở Phúc Sơn khá lâu rồi. Hồi ấy, người dân từ các vùng quê Thái Bình, Nam Định lên đây khai hoang lập nghiệp, họ đã mang theo giống lạc của miền xuôi lên để trồng trên quê mới. Cũng từ đó, cây lạc chính thức đánh dấu sự có mặt tại vùng đồi núi heo hút này.
Vào những năm 80 của thế kỷ trước, phong trào phát nương làm rẫy còn phát triển mạnh ở nhiều địa phương trong huyện, nhưng ở Phúc Sơn chỉ toàn núi đá nên không thể làm nương, làm rẫy. Bà con chỉ trồng lúa nước vào vụ mùa, còn mùa khô hạn chủ yếu trồng lạc. Chỉ có điều, cây lạc lúc bấy giờ chưa đem lại thu nhập cho người dân nên không được phát triển mạnh. Những năm gần đây, lạc Phúc Sơn mới được nhiều thương lái ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Giang đến thu mua, người nông dân mới có thu nhập.
Nhưng lạc bán cho thương lái tự do, nên chuyện ép giá đã xảy ra thường xuyên vào mỗi mùa thu hoạch. Đã có lúc bà con muốn quay lưng lại với cây lạc để tìm cây trồng khác thay thế. Năm 2011, một công ty của Hàn Quốc, có trụ sở tại Bắc Giang đã đến ký hợp đồng với bà con Phúc Sơn để trồng hành xuất khẩu. Lần đầu tiên người xã vùng cao được ký hợp đồng kinh tế với nhà máy, họ nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm khi thu hoạch. Người dân phấn khởi, gác lại chuyện trồng lạc, nhà nào cũng đem giống hành hoa từ nước bạn Hàn Quốc xa xôi về trồng. Sau vài tháng trồng, chăm sóc hành, đến mùa thu hoạch công ty lại chậm thu mua; đến lúc thu mua thì nhiều diện tích đã già cỗi và hỏng. Sau đó, công ty lại khất nợ hết lần này đến lần khác cho tới tận bây giờ số tiền gần tỷ đồng của bà con vẫn chưa được thanh toán. Thế là người dân lại quay trở lại với cây lạc, thứ cây trồng đã bén rễ và gắn bó gần nửa thế kỷ với đồng đất Phúc Sơn. Hơn lúc nào hết, người dân Phúc Sơn đang quyết tâm nâng cao chất lượng sản phẩm lạc để cây lạc thực sự trở thành cây trồng hàng hóa đem lại thu nhập cao. Hiện diện tích lạc của toàn xã cả năm đã tăng lên 678 ha.
Nông dân thôn Phiêng Tạ, xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa) chăm sóc lạc xuân.
Thương hiệu “Lạc Chiêm Hóa”
Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn Hoàng Thị Xiêm tự tin khẳng định, cây lạc chính là cây đổi đời cho người dân Phúc Sơn. Tổng thu nhập từ trồng lạc của xã trên dưới 5 tỷ đồng/vụ. Chị Xiêm khoe: “Vì là “thủ phủ” của vùng lạc nên đầu năm 2015 xã đã được huyện ưu tiên lắp đặt máy sấy lạc theo công nghệ của Đức, trị giá trên 1 tỷ đồng do Viện Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp (Bộ Công Thương) thiết kế. Vừa rồi, máy đã được các kỹ sư thiết kế vận hành không tải thành công, có thể sấy mỗi lần 8 - 10 tấn lạc. Trước đó, vào năm 2013, xã cũng được dự án TNSP hỗ trợ đầu tư lắp đặt một máy sấy lạc cỡ nhỏ hơn. Vậy là vụ lạc năm nay, xã đã có 2 máy sấy lạc, không những đáp ứng nhu cầu bảo quản lạc sau thu hoạch cho bà con trong xã mà cho cả các xã trong vùng lạc của huyện. Có máy sấy, bà con không còn phải tất bật phơi phóng lạc khi thu hoạch nữa. Lạc sẽ được sấy ở nhiệt độ tiêu chuẩn, chắc chắn sẽ bán được giá hơn mọi năm. Hiện tại, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp xã đã có kế hoạch thu mua lạc của bà con trong vùng đem về sấy và tìm đơn vị thu mua sản phẩm ngay trong vụ này.
Rời “thủ phủ” đất lạc, chúng tôi tiếp tục đến những địa phương khác trong vùng sản xuất lạc hàng hóa tập trung ở huyện Chiêm Hóa. Giờ đây, cây lạc không chỉ phát triển ở các xã Phúc Sơn, Minh Quang, mà các xã đặc biệt khó khăn như Trung Hà, Hà Lang, Tân Mỹ, Hùng Mỹ... cũng đang mở rộng diện tích trồng lạc qua các năm. Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Văn Tú cho biết, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây lạc đem lại, đến nay nhiều địa phương trong huyện đã kiên quyết chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa không ăn chắc sang trồng lạc hàng hóa. Huyện đã hoàn thành việc quy hoạch vùng sản xuất lạc hàng hóa tập trung tại 13 xã thượng huyện với tổng diện tích gần 2.700 ha.
Hướng đi cho cây lạc ở Chiêm Hóa đã được mở. Từ Phúc Sơn, cây lạc đã lan tỏa sang các xã lân cận để hình thành nên vùng sản xuất hàng hóa tập trung của huyện. Bài toán khó về đầu ra cho cây lạc nhiều năm qua đã được chính quyền địa phương cùng các ngành tìm ra lời giải. Hiện tại sản phẩm lạc của Chiêm Hóa đã được một số doanh nghiệp như Công ty cổ phần Giống cây trồng Hà Tĩnh và một số doanh nghiệp khác tại Bắc Giang, Vĩnh Phúc đặt hàng mua. Huyện cũng đang phối hợp với các cấp, các ngành xúc tiến xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm lạc để đem ra thị trường.
Trao đổi với chúng tôi về việc xây dựng thương hiệu lạc Chiêm Hóa, ông Hà Văn Ngạc, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, Chi cục đã hoàn tất thiện các hồ sơ, thủ tục để cơ quan có thẩm quyền quyết định công nhận thương nhiệu và nhãn hiệu “Lạc Chiêm Hóa”. Theo đó, công tác đăng ký nhãn hiệu hàng hóa đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận. UBND tỉnh đã có quyết định xác lập bản đồ xuất xứ sản phẩm lạc Chiêm Hóa. Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh đã cấp giấy phép đủ điều kiện sản xuất cho sản phẩm. Hợp tác xã Nông lâm nghiệp xã Phúc Sơn là đơn vị quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể sản phẩm lạc Chiêm Hóa hiện đã hoàn thiện xây dựng và công bố tiêu chuẩn về sản phẩm, đồng thời xây dựng xong quy chế quản lý nhãn hiệu hàng hóa.
Trong tương lai không xa, cùng với một số thương hiệu, nhãn hiệu hàng nông sản của tỉnh như Cam sành Hàm Yên, các sản phẩm chè..., tỉnh ta sẽ có thêm thương hiệu nông sản mang tên “Lạc Chiêm Hóa” đến với thị trường trong nước và thế giới.
Gửi phản hồi